Kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý là những thuật ngữ không còn xa lạ với người thường xuyên sử dụng kem chống nắng. Thế nào là kem chống nắng hóa học, và ai là người phù hợp sử dụng loại kem này? Ưu và nhược điểm của kem chống nắng hóa học là gì? SkinBlog sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc trong bài viết dưới đây.
Tham khảo thêm: Thế nào là kem chống nắng vật lý?
1. Kem chống nắng hóa học là gì?
Kem chống nắng hóa học (tên tiếng anh là Suncreen) là một loại kem chống nắng hữu cơ, có thành phần chủ yếu là các hợp chất hóa học như: avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone… Với khả năng hấp thụ, thẩm thấu và chuyển hoá tia UV thành tia có năng lượng thấp hơn, an toàn hơn, và không gây tổn hại đến da, kem chống nắng hoá học được đánh giá cao hơn kem chống nắng vật lý về khả năng chống lại tia UV.
Kem chống nắng hóa học được đánh giá cao hơn vật lý ở khả năng chống tia UV
Khác với kem chống nắng vật lý có kết cấu dày, đặc và dễ tạp ra vệt trắng khi thoa, kem chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng, nhẹ, không màu, không mùi.
Khả năng chuyển hóa các tia UV của kem chống nắng hóa học phụ thuộc vào thành phần và tỉ lệ thành phần các hợp chất hóa học có trong bảng thành phần của từng sản phẩm, cũng như chỉ số SPF của nó.
Chỉ số SPF cao đồng nghĩa với phổ chống nắng rộng, và bảng thành phần càng có nhiều chất chống nắng thì kem chống nắng hóa học càng hiệu quả và an toàn trong chuyển hóa và giải phóng năng lượng của tia UV với da.
2. Cơ chế hoạt động của kem chống nắng hóa học
Các thành phần chính trong kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học, đúng như tên gọi của nó được cấu thành chủ yếu từ các thành phần hóa học nhân tạo. Ngoài công dụng chống nắng chúng có thể giải quyết thêm một số vấn đề khác của da như kiềm dầu hay làm mờ vết thâm, do đó được ưa chuộng bởi tính linh hoạt và toàn diện.
Avobenzone
Đây là thành phần cốt lõi của kem chống nắng hóa học. Avobenzone là một chất có khả năng hấp thụ tia UVA lẫn UVB rất mạnh, tức là chống nắng phổ rộng. Nó hoạt động bằng cách hấp thụ toàn bộ quang phổ của tia UVA trên một bước sóng rộng, sau đó chuyển đổi chúng sang bức xạ hồng ngoại ít gây hại.
Avobenzone chống nắng mạnh, nhưng sau 1h tiếp xúc sẽ giảm hiệu quả chỉ còn 50%
Tuy nhiên Avobenzone có khuyết điểm là thiếu tính bền vững và nhanh mất đi tác dụng dưới ánh sáng chỉ sau một thời gian ngắn, vì vậy cần được kết hợp với một số chất ổn định như Octocrylene để tăng cường hiệu lực. Đối với kem chống nắng chứa Avobenzone, thời gian duy trì hiệu năng chống nắng là khoảng 2h với điều kiện tiếp xúc ánh nắng vừa phải.
Ngoài ra Avobenzone còn giúp giảm thiểu một số tác hại khác của ánh sáng mặt trời như lão hóa sớm và ung thư da. Avobenzone còn được gọi bằng những cái tên khác như Parsol 1789, Milestab 1789, Eusolex 9020, Escalol 517 và Butyl Methoxydibenzoylmethane.
Oxybenzone
Oxybenzone về cơ bản cũng hoạt động như Avobenzone, tức là chuyển hóa được cả tia UVA và UVB, tuy nhiên hiệu lực hóa học của nó yếu hơn. Cụ thể, các tia nằm trong tầm chuyển hóa của Oxybenzone chỉ là những tia UVB và UVA ngắn, và nó cũng chỉ chuyển hóa được một phần các tia UVA.
Nồng độ an toàn của Oxybenzone
trong kem chống nắng là 2% – 10%.
Khi sử dụng độc lập, Oxybenzone dễ bị phân hủy dưới nắng, vì vậy cũng cần được kết hợp với các chất ổn định khác chẳng hạn như Octinoxate, đặc tính này tương tự Avobenzone. Nồng độ cho phép của Oxybenzone trong kem chống nắng hóa học có sự dao động tùy thuộc vào tỉ lệ các thành phần khác trong kem chống nắng và tùy quốc gia.
Oxybenzone còn có tên khác là 2-hydroxy-4-methoxy-benzophenone, benzophenone-3.
Tinosorb
Tinosorb là một thành phần chống nắng thế hệ mới, thực tế nó là nguyên liệu chính trong các loại kem chống nắng pha trộn giữa dòng hóa học và dòng vật lý. Tuy nhiên vì mang bản chất là một hợp chất nhân tạo nên nó vẫn được công nhận rộng rãi như một thành phần của kem chống nắng hóa học hơn.
Tinosorb được chia làm hai loại chính là Tinosorb S (Bemotrizinol) và Tinosorb M (Bisoctrizole). Là “phép lai” giữa kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học, Tinosorb vừa tạo lớp màng che chắn trên da, vừa hấp thụ và khuếch tán một phần ánh nắng, chuyển hóa chúng thành những tia an toàn hơn.
Tinosorb thừa kế mọi ưu điểm
của kem chống nắng vật lý và hóa học
Tinosorb cũng có tính ổn định và bền vững cao hơn hai thành phần truyền thống là Avobenzone và Oxybenzone, do đó nó có thể củng cố tác dụng cho hai hợp chất này và kéo dài hiệu lực của kem chống nắng, cũng như chống chịu được ánh nắng với cường độ cao. Kem chống nắng hóa học chứa Tinosorb vì thế thích hợp để đi biển.
Tóm lại, kem chống nắng chứa Tinosorb thường mỏng nhẹ đúng tiêu chuẩn kem hóa học, loại bỏ được phiền phức về vệt trắng trên da của dòng vật lý và cải thiện được khiếm khuyết phải bôi đi bôi lại quá nhiều lần trong ngày.
Các phân loại khác
Một số dòng kem chống nắng hóa học dựa vào 4 thành phần chính là Paraaminobenzoic Acid (PABA), Benzophenone, Salicylate, Cinnamate để phân loại.
- PABA: chống tia UVB mạnh, kháng nước, dễ gây kích ứng. Thường được thay thế bằng Padimate O.
- Cinnamate (gồm Octinoxate và Cinoxate): chống tia UVB, nhưng kém bền vững với nước và ánh sáng mặt trời
- Salicylate (gồm Octisalate, Homosalate, Trolamin Salicylate): chống tia UVB, công hiệu yếu nhưng an toàn
- Benzophenone (gồm Oxybenzone, Sulisobenzone, Dioxybenzone): chống cả tia UVA và UVB
Kem chống nắng hóa học hoạt động thế nào?
Kem chống nắng hóa học hoạt động như một màng lọc, nó bảo vệ da khỏi tia tử ngoại bằng cách hấp thụ, xử lý và phân huỷ các tia này trước khi chúng có thể làm tổn hại đến da. Kem chống nắng hóa học chuyển hóa một phần tia sáng thành dạng năng lượng an toàn hơn, phần không hấp thụ được thì khuếch tán trở lại ra môi trường bên ngoài.
Kem chống nắng hóa học chuyển hóa tia sáng, ngăn chặn các chất độc hại phá hủy tế bào
Mỗi thành phần trong kem chống nắng hóa học sẽ có khả năng ngăn được một loại tia UVA và UVB với các bước sóng khác nhau. Những thành phần này kết hợp lại với nhau tạo thành một phức hợp có công hiệu chống nắng phổ rộng.
3. Đặc điểm của kem chống nắng hóa học
Mặc dù được đánh giá cao hơn kem chống nắng vật lý về khả năng xử lý tia UV nhưng kem chống nắng hóa học cũng không phải là sản phẩm hoàn hảo, nó cũng có ưu khuyết điểm của riêng mình. Những điểm mạnh và điểm yếu này liên quan trực tiếp đến độ tương thích của kem chống nắng hóa học với loại da của bạn.
Ưu điểm của kem chống nắng hóa học
Chất kem mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh
Kem chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng nhẹ, khi thoa lên da ít gây cảm giác bí bách và bết dính. Chất kem lỏng của kem chống nắng hóa học cũng được cho là giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn, hạn chế hình thành mụn.
Kem chống nắng hóa học được yêu thích vì khả năng thẩm thấu nhanh và ít gây bí da
Kem chống nắng hóa học còn “ghi điểm” với người dùng nhờ sự đa dạng trong kết cấu, bạn có rất nhiều lựa chọn như dạng kem mịn, dạng gel mát hay dạng sữa dưỡng. Hầu hết kem chống nắng hóa học thẩm thấu rất nhanh trên da, đây là một ưu điểm nhưng cũng đồng thời có thể khiến bạn “đau đầu” vì chúng thường hao nhanh hơn kem chống nắng vật lý.
Kiềm dầu tốt
Avobenzone và Oxybenzone trong kem chống nắng hóa học không chỉ có công năng chống nắng mà còn có tác dụng kiềm dầu khá hiệu quả, giúp làn da nhẹ nhàng khô thoáng, giảm tiết bã nhờn gây bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra với nền tảng là thành phần hóa học nên không ít thương hiệu “mạnh tay” cho thêm nhiều thành phần kiềm dầu vào sản phẩm của mình, thích hợp với người có làn da dầu, hỗn hợp thiên dầu và thường được ưu ái hơn trong thời tiết mùa hè nóng bức.
Dễ dàng tiệp vào màu da
Với ưu điểm thẩm thấu nhanh, kem chống nắng hóa học cũng dễ dàng tiệp vào màu da. Một số dòng kem chống nắng hóa học cũng bổ sung thành phần hiệu chỉnh màu da, giúp che phủ một số vết thâm mờ nên có thể sử dụng như kem lót khi trang điểm.

Nếu kem có hiện tượng lên tông nhẹ, bạn nên thoa từng lớp mỏng một và đợi kem khô hẳn trên da rồi mới bắt đầu đánh lớp nền trang điểm.
Kem chống nắng vật lý thường để lại vệt trắng khá rõ trên da nếu không tán kỹ và đây là lý do khiến nhiều người không ưa chuộng, kem chống nắng hóa học lại khắc phục được khuyết điểm này một cách hiệu quả. Với kem chống nắng hóa học, bạn cũng không cần phải dùng mút trang điểm để tán kem mà chỉ cần dùng tay là đủ.
Nhược điểm của kem chống nắng hóa học
Phải thoa lại nhiều lần trong ngày
Thời gian hiệu lực của kem chống nắng hóa học khá yếu, nếu thường xuyên hoạt động ngoài trời thì thời gian có tác dụng của kem thậm chí còn ngắn hơn. Tuy nhiên bù lại một số dòng kem chống nắng hóa học hiện nay có thêm tính năng chống nước, kem sẽ không dễ trôi khỏi da dù bạn đổ nhiều mồ hôi hay bơi lội.
Kem chống nắng hóa học khá phù hợp để dùng khi đi biển
Không có hiệu quả tức thì
Phần lớn kem chống nắng hóa học cần được bôi 15 – 20 phút trước khi bạn ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có loại cần được bôi trước 30 phút. Đây là một bất tiện không nhỏ khi khiến bạn tốn thời gian chờ đợi, nhất là trong chu trình skincare buổi sáng.
Dễ gây kích ứng
Việc chứa nhiều hợp chất hóa học khiến kem chống nắng hóa học trở nên “kém thân thiện” với da hơn kem chống nắng vật lý, đặc biệt là với người có làn da nhạy cảm, tình trạng dị ứng thành phần là rất dễ xảy ra.

Nếu băn khoăn về vấn đề kích ứng, bạn nên xem xét kỹ bảng thành phần và thử một lượng nhỏ trên tay để xem phản ứng trước khi quyết định có sử dụng hay không.
Nếu là người thường xuyên trang điểm, bạn cũng cần xem xét bảng thành phần của mỹ phẩm trang điểm với kem chống nắng có hợp chất nào chống chỉ định kết hợp hay không, tránh tình trạng nổi mẩn đỏ hay mọc mụn, hoặc tệ hơn là break out.
Ngoài ra, kem chống nắng hóa học có thể gây khó chịu hoặc cay mắt khi bôi lên vùng da gần mi mắt hoặc khi bạn đổ mồ hôi khiến kem chảy ra. Do đó bạn cần chú ý với vùng mắt, chỉ thoa một lượng thật mỏng khi sử dụng kem chống nắng hóa học.
Kem chống nắng hóa học lựa chọn hàng đầu của da mụn và da dầu.
Da mụn và da dầu thường cần các loại kem có kết cấu mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh và không tạo cảm giác bí bức trên da, đây là những ưu điểm mà kem chống nắng hóa học sở hữu. Do đó nếu bạn thuộc loại da dầu, đặc biệt là cơ địa đổ nhiều dầu vùng chữ T, kem chống nắng hóa học là sự lựa chọn hàng đầu.

Đối với da dầu và da hỗn hợp, bạn nên chọn kem dạng gel hoặc dạng xịt, và ưu tiên các sản phẩm có nhãn “No Sebum” hoặc “Oil-Free”.
Đối với da mụn thì phức tạp hơn một chút. Nếu bạn thuộc dòng da dầu mụn, bạn có thể sử dụng kem chống nắng hóa học một cách khá thoải mái, do kem cũng giúp hạn chế bít tắc lỗ chân lông làm mụn viêm có dấu hiệu nặng thêm.
Tuy nhiên nếu bạn thuộc dòng da mụn nhạy cảm, bạn cần cẩn thận với kem chống nắng hóa học. Vì như đã đề cập, kem có thể gây kích ứng trên da và làm trầm trọng tình trạng mụn.
Nếu bạn thường xuyên phải hoạt động ngoài trời, kem chống nắng hóa học cũng là lựa chọn nên được ưu tiên. Nó có khả năng chống nắng phổ rộng và thông thường có chỉ số SPF cao hơn so với kem chống nắng vật lý.
Người có làn da ngăm rất thích hợp để sử dụng kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học không có tác dụng phụ là nâng tông da, do đó nếu bạn là người có làn da ngăm hoặc nước da không quá sáng màu, cũng như thích một lớp nền tự nhiên, đây có thể là dòng kem chống nắng phù hợp với bạn.
5. Top 5 kem chống nắng hóa học khuyên dùng
Sunplay Skin Aqua Silky White Gel
Phù hợp với: da hỗn hợp
Chỉ số chống nắng: SPF 50+ / PA ++++
Thành phần:
- Chống nắng: Octinoxate, Uvinul A+, Tinosorb S, Uvinul T150
- Cấp ẩm: Hyaluronic Acid, Collagen, Amino Acid,
- Làm đều màu da: Vitamin C
- Chống oxy hóa: Chiết xuất trà xanh
Sunplay là kem chống nắng thế hệ mới lai giữa vật lý và hóa học, khá phổ biến và có giá thành rẻ.
Về chất kem, Sunplay có dạng lỏng như nước, khi thoa lên da tạo cảm giác ẩm mượt nhưng không bết dính. Kem mỏng nhẹ và thẩm thấu nhanh, khi mới lên da có thể làm lên tông da một chút nhưng sau khoảng 10 phút thì sẽ tiệp vào da hoàn toàn. Khi thoa xong kem sẽ để lại lớp bóng nhẹ trên da.
Sunplay được đánh giá cao về khả năng kiềm dầu, tuy nhiên sẽ dễ xuống tông với người ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra kem còn có khả năng dưỡng ẩm và làm trắng da. Khuyết điểm duy nhất của nó là có chứa cồn để giúp thấm nhanh, tuy nhiên nếu da bạn không quá nhạy cảm thì vẫn có thể an tâm sử dụng.
Anessa Perfect UV Spray Sunscreen
Phù hợp với: da dầu, hỗn hợp thiên dầu
Chỉ số chống nắng: SPF 50+ / PA ++++
Thành phần:
- Chống nắng: Ethylhexyl methoxycinnamate, Octocrylene, Polysilicone-15, BisEthylhexyloxyphenol Methoxyphenyl Triazine
- Dưỡng ẩm: Hyaluronic Acid, Collagen từ cá biển sâu, Hoa tuyết nhung, Nha đam, Glycerin
- Dưỡng da: Chiết xuất trà xanh, lá hoa anh đào
Dòng kem chống nắng Perfect của Anessa có tính năng nổi bật là chống thấm nước, vì vậy thích hợp cho người thường xuyên phải hoạt động ngoài trời hoặc đi biển. Dòng Essence có chỉ số chống nắng SPF thường thấp hơn và phù hợp để sử dụng hàng ngày, bạn có thể cân nhắc tùy theo nhu cầu của bản thân.
Bên cạnh công năng chống nắng, Anessa còn được đánh giá tốt ở khả năng cấp ẩm khi giữ cho da mềm mượt, kiềm dầu và chống lão hóa. Anessa chỉ có một nhược điểm là chứa Dimethicone nhưng nồng độ tương đối thấp.
Sản phẩm thuộc dạng xịt, khô nhanh và không tạo cảm giác bết dính trên da, giữ cho lỗ chân lông khô thoáng. Do tính năng chống nước nên sản phẩm có độ bám phủ khá tốt trên bề mặt da, lâu trôi và có thể dùng như kem lót khi trang điểm.
La Roche-Posay Anthelios Invisible Face Mist Anti Shine
Phù hợp với: da dầu, da có dấu hiệu lão hóa
Chỉ số chống nắng: SPF 50+
Thành phần chống nắng:
- Chống nắng: Homosalate, Butyl Methoxydibenzoylmethane, Drometrizole Trisiloxane:
- Cấp ẩm: Glycerin, Caprylyl Glycol, Propylene Glycol
- Kiềm dầu: Silica Silylat, Poly C10-30 Alkyl Acrylate, AIRLICIUM
La Roche-Posay có dạng xịt tiện lợi và dễ dàng mang theo khi di chuyển. Ngoài công dụng chống lại tia UV, sản phẩm còn có thể cản được bụi bẩn và ô nhiễm. Chất kem của La Roche-Posay được đánh giá là mịn như sương, thẩm thấu nhanh, nhẹ mặt và không xảy ra tình trạng đọng giọt như thường thấy với kem chống nắng dạng xịt.
Ưu điểm nổi bật của La Roche-Posay là tính kiềm dầu cao, khó trôi dù đổ nhiều mồ hôi. Đây cũng là dòng sản phẩm chú trọng vào công năng chống lão hóa. Nó chỉ có một nhược điểm là chứa Silicone, vì vậy không quá thích hợp với da mẫn cảm.
Vichy Ideal Soleil Mattifying Face Fluid Dry Touch
Phù hợp với: da dầu
Chỉ số chống nắng: SPF 50+
Thành phần:
- Chống nắng: Công nghệ Mexoryl độc quyền
- Dưỡng da: Vitamin E, Alkyl Benzoate, Silica
- Làm dịu da: Nước khoáng Vichy
Chất kem mỏng mịn và khá nhẹ, dễ thấm trên da. Vì thuộc dòng chống nắng hóa học nên sắc kem trắng mịn cũng không gây nâng tone da, sau khi thoa xong sẽ để lại bề mặt mịn lì và có thể che phủ những khuyết điểm nhỏ, thích hợp với người không thích các hiệu ứng da bóng (glow).
Được chế tạo chủ yếu cho da dầu nên khả năng kiềm dầu của Vichy được đánh giá cao, có thể dùng cả ngày mà độ đổ dầu rất ít. Một điểm cộng nữa của Vichy là khá lành tính, không gây kích ứng hay tạo mụn.
Avène Very High Protection Emulsion SPF 50+
Phù hợp với: da hỗn hợp, da dầu
Chỉ số chống nắng: SPF 50+
Thành phần:
- Chống nắng: Uvasorb HEB, Avobenzone, Tinosorb S, Tinosorb M
- Chống lão hóa: Vitamin E
- Làm dịu da: Nước khoáng Avène
Đây là dòng kem chống nắng vật lý lai hóa học với những thành phần chống nắng thế hệ mới, được đánh giá khá cao nhờ tính năng không gây kích ứng và không gây mụn.
Chất kem thuộc dạng sữa dưỡng (Emulsion), với công nghệ dry-touch khô nhanh cho bề mặt da thoáng mịn, hạn chế bít tắc lỗ chân lông. Avène có khả năng kiềm dầu rất tốt. Kem thoa lên da nhẹ nhàng, chỉ nâng tone nhẹ. Một ưu điểm nữa là Avène khá bền với nước, phù hợp với người dễ đổ mồ hôi.
Ngoài ra kem có thể sử dụng làm kem lót khi trang điểm. Thiết kế dạng xịt với mỗi lần xịt là đủ cho một lần sử dụng nên bạn không tốn thời gian “đong đếm” bao nhiêu kem là đủ.
Khuyết điểm của Avène là có mùi hương ban đầu hơi nồng, tuy nhiên bay đi rất nhanh do đó không quá khó chịu. Giá thành sản phẩm cũng tương đối cao, tuy nhiên với tác dụng mà Avene mang lại thì sản phẩm cũng đáng để bạn cân nhắc.
6. Lưu ý khi dùng kem chống nắng hóa học
Sau bao lâu cần thoa lại kem chống nắng một lần?
Khoảng 2h.
Tùy thuộc vào chỉ số SPF mà mỗi loại kem chống nắng có thời gian tác dụng khác nhau, nhưng thông thường sau khoảng 2h bạn nên thoa lại kem chống nắng một lần. Đây là mốc thời gian lý tưởng để da bạn được bảo vệ an toàn liên tục trước tác động của ánh nắng.
Có nên tẩy trang khi thoa lại kem chống nắng không?
Có.
Nếu có điều kiện, tốt nhất là bạn nên tẩy trang và để da khô trước khi bôi lại kem chống nắng, cũng như đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi dùng kem để tránh vi khuẩn có hại xâm nhập vào da. Cuối ngày, bạn cần tẩy trang sâu với dầu tẩy trang để đảm bảo lỗ chân lông được giải phóng khỏi cặn kem, cặn mỹ phẩm, dầu thừa và bụi bẩn.
Khi dùng kem chống nắng hóa học thường xuyên, bạn đừng quên tẩy da chết 2 lần mỗi tuần
Dùng kem chống nắng hóa học bao nhiêu là đủ?
Kem chống nắng hóa học thường có dạng lỏng và vì vậy bạn cần lượng kem nhiều hơn so với kem chống nắng vật lý cho mỗi lần sử dụng. Đối với chống nắng dạng kem hoặc gel, bạn ước lượng kem bằng chiều dài ngón tay giữa là đủ. Còn với dạng xịt, bạn cần khoảng 4 lớp xịt để đảm bảo chống nắng an toàn cho da.
Làm thế nào để biết bị dị ứng kem chống nắng?
Các dấu hiệu chứng tỏ bạn dị ứng kem chống nắng bao gồm: ngứa, tróc da, da sưng, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, vùng bôi kem đau rát hoặc mọc mụn nước.
Mẩn đỏ và ngứa là dấu hiệu phổ biến nhất của dị ứng kem chống nắng
Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần nhanh chóng tẩy sạch kem chống nắng trên da, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng dị ứng nặng, bạn có thể dùng thuốc bôi ngoài da chứa steroid hoặc thuốc uống để giảm viêm và phản ứng. Biện pháp tốt nhất vẫn là đến bác sĩ da liễu để có liệu trình điều trị phù hợp.
Thông điệp cho bạn
Kem chống nắng hóa học không phù hợp với mọi loại da, tuy nhiên nếu dùng đúng cách thì sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời cho bạn, vừa giúp chống nắng hiệu quả mà vẫn giữ được sự khô thoáng cho làn da. Hãy thận trọng để đưa ra quyết định phù hợp nhất cho mình nhé!
Đối với người có làn da quá dầu, bạn nên ưu tiên kem chống nắng dạng gel hoặc xịt.