Kem chống nắng là vật bất ly thân trong chu trình skincare của bạn. Vậy thì ắt hẳn bạn đã từng nhìn thấy cụm từ kem chống nắng vật lý khi tìm hiểu về item này. Đã bao giờ bạn thắc mắc kem chống nắng vật lý là gì, và nó có phù hợp với làn da của mình hay không chưa? Cùng SkinBlog tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Tham khảo thêm: Thế nào là kem chống nắng hóa học?
Kem chống nắng vật lý được ví như một tấm khiên bảo vệ da khỏi tia cực tím
Kem chống nắng vật lý thường được biết đến với cái tên Sunblock, để phân biệt với kem chống nắng hóa học là Sunscreen. Tuy nhiên hiện nay có nhiều dòng kem chống nắng lai giữa vật lý và hóa học lấy tên chung là Sunscreen, bạn cần xem kỹ bảng thành phần để biết kem có tính năng của dòng vật lý hay không.
Titanium Dioxide và Zinc Oxide là hai thành phần quan trọng nhất của
kem chống nắng vật lý.
Bạn cần lưu ý đến hàm lượng của các thành phần này trên bảng thành phần. Trong trường hợp sản phẩm không nêu rõ hàm lượng, thông thường các thành phần đứng đầu là thành phần có tỉ trọng lớn nhất. Nếu có thấy Titanium Dioxide và ZinC Oxide nổi bật trên cùng, có nghĩa đây là kem chống nắng vật lý tiêu chuẩn, bạn có thể yên tâm sử dụng.
Vậy thì Titanium Dioxide và Zinc Oxide có tác dụng gì trong kem chống nắng vật lý và vì sao chúng lại quan trọng? Hãy cùng SkinBlog “nghía” qua công dụng của chúng.
Titanium Dioxide (TiO2)
Công dụng nổi bật nhất của Titanium Dioxide là chống lại tác hại của tia UVA và tia UVB bằng cách tạo màng chắn trên da. Đặc điểm của chất này là không hòa tan trên bề mặt da hay thẩm thấu vào tế bào, màng chắn từ Titanium Dioxide giúp phản xạ lại tia cực tím và ánh sáng xanh trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
Nồng độ an toàn của Titanium Dioxide trong kem chống nắng vật lý là
không quá 25%.
Titanium Dioxide có hai dạng kích thước phân tử Micro và Ultra. Hạt phân tử càng lớn thì càng thấy rõ lớp màng bảo vệ che phủ trên da, khiến da trắng hơn bình thường. Do đó Titanium Dioxide còn có công dụng làm trắng. Ngoài ra Titanium Dioxide còn có độ che phủ và độ mịn khi phân tán trên da nên thường được ứng dụng trong mỹ phẩm.
Titanium Dioxide vừa là chất tạo màu vừa là chất làm đặc cho kem lót, kem nền, phấn mắt, phấn phủ. Một ưu điểm khác của Titanium Dioxide là không thấm dầu và ít xảy ra phản ứng hóa học. Đây là nguyên nhân một số loại kem chống nắng chứa Titanium Dioxide có thể dùng thay thế cho kem lót.
So với các thành phần quen thuộc trong kem chống nắng hóa học như Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone thì Titanium Dioxide được đánh giá là an toàn, ít xảy ra phản ứng kích ứng hơn và phù hợp hơn cho da nhạy cảm.
Zinc Oxide
Zinc Oxide có khả năng chống nắng phổ rộng, vì vậy thường xuất hiện trong các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF cao. Khi thấy thành phần kem chống nắng chứa Zinc Oxide ở đầu và chỉ số SPF trên 30, điều đó có nghĩa là kem chống nắng thích hợp với người phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Tuy nhiên công dụng chính của Zinc Oxide là bảo vệ da khỏi những vấn đề do ánh nắng gây ra như: viêm nhiễm do phát ban, cháy nắng, hoặc các tác nhân gây ung thư da. Cùng với Titanium Dioxide, Zinc Oxide tạo thành lớp màng kép bảo vệ da toàn diện trước tác hại của tia cực tím.
Zinc Oxide giúp giảm viêm mụn trứng cá và thúc đẩy tăng sinh Collagen
Zinc Oxide không chỉ xuất hiện trong kem chống nắng vật lý mà còn có thể thấy trong một số loại mỹ phẩm dưỡng da, đặc biệt là kem dưỡng ẩm cho da mụn. Chất này cũng giúp cải thiện một số vấn đề lão hóa như làm mờ nếp nhăn, do đó có thể xuất hiện trong một số dòng kem chống nắng kết hợp kem dưỡng ẩm cho chu trình skincare buổi sáng.
Zinc Oxide có thể phát huy công dụng chống nắng gần như ngay sau khi tiếp xúc với da
Kem chống nắng vật lý chứa thành phần Zinc Oxide có khả năng giúp che đi một số khuyết điểm như vết thâm mụn nhẹ và cải thiện tình trạng lỗ chân lông to. Zinc Oxide không chỉ có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm mà còn được chứng minh là không gây mụn khi giữ cho lỗ chân lông khô thoáng, hạn chế bít tắc.
Kem chống nắng vật lý hoạt động thế nào?
Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý
Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý khá đơn giản, đó là hình thành màn chắn phản xạ lại ánh sáng mặt trời, bao gồm tia UVA và UVB, cũng như ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử. Do đó kem chống nắng vật lý thích hợp dùng cả ngoài trời lẫn khi ở trong nhà.
Đặc biệt là với người thường xuyên làm việc với máy tính, kem chống nắng vật lý sẽ giúp bảo vệ da bạn khỏi bức xạ từ màn hình tốt hơn khi “đẩy” chúng ngược trở lại với môi trường chứ không hấp thụ vào cơ thể gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác.
3. Đặc điểm của kem chống nắng vật lý
Ưu điểm của kem chống nắng vật lý
Tấm khiên bảo vệ bền vững
Kem chống nắng vật lý tạo thành lớp khiên bảo vệ kép trên da, ngăn chặn hầu hết tia UVA và UVB có hại cho làn da. Với Zinc Oxide, da sẽ được làm dịu khi tiếp xúc với ánh nắng, giảm thiểu tình trạng tấy đỏ đối với người có làn da quá mẫn cảm.
Kem chống nắng vật lý là sự lựa chọn tối ưu trong điều kiện nắng vừa phải
Ngoài ra, kem chống nắng vật lý cũng có khả năng chống oxy hóa cho da, giảm thiểu sự xuất hiện của mụn đầu đen.
Không cần bôi lại quá nhiều lần trong ngày
Do Titanium Dioxide không thẩm thấu và hòa tan vào da, nếu bạn ít tiếp xúc với nước, không đổ mồ hôi thì kem chống nắng vật lý có độ bám phủ khá cao và lâu trôi. Nếu bạn chủ yếu ở trong nhà và ít tiếp xúc với tia cực tím, chỉ cần 1 lần bôi là đủ chống nắng hiệu quả cho cả ngày.
Ít gây kích ứng
Thành phần của kem chống nắng vật lý khá lành tính, do đó nó dịu nhẹ với làn da hơn kem chống nắng hóa học. Kem chống nắng vật lý cũng thường giàu chất kháng khuẩn và kháng viêm nên còn có công dụng làm dịu da, giảm tình trạng sưng tấy của mụn.
Người bị mụn thể nhẹ hoặc có các đốm đỏ trên da có thể ưu tiên kem chống nắng vật lý
Hiệu quả tức thì
Thông thường các loại kem chống nắng hóa học phải bôi trước 15 – 20 phút trước khi ra ngoài, kem chống nắng vật lý khắc phục được điểm yếu này. Các hoạt chất trong kem chống nắng vật lý gần như phát huy tác dụng ngay sau khi thoa lên da, tiện lợi và giúp bạn tiết kiệm thời gian chuẩn bị.
Nâng tông màu da
Đối với người có làn da sáng màu, kem chống nắng vật lý khá được ưa thích vì nó có khả năng nâng tông từ nhẹ đến vừa, tùy thuộc vào hàm lượng Titanium Dioxide trong loại kem bạn chọn. Kem chống nắng vật lý có thể thay thế kem lót hoặc kem nền, giúp bạn không cần đánh nhiều lớp kem mà vẫn có phần nền mịn mượt và “giải phóng” làn da khỏi sự nặng nề bí bức.
Nhược điểm của kem chống nắng vật lý
Chất kem đặc
Thông thường kem chống nắng vật lý có kết cấu khá đặc và khó tán đều trên da, dễ gây nên tình trạng vón cục lợn cợn. Chất kem đặc này cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng bít tắc lỗ chân lông tạo mụn. Do đó nếu sử dụng kem chống nắng vật lý, bạn cần chú trọng bước tẩy trang sâu để lấy sạch cặn kem khỏi da.
Dễ lên tone da, kem chống nắng vật lý thường khá đặc và khó tán đều
Dễ trôi khi hoạt động ngoài trời trong thời gian dài
Nếu thường xuyên đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước như đi bơi, đi biển thì kem chống nắng vật lý khá dễ trôi khỏi da bạn. Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng vì một số loại kem chống nắng vật lý đã được bổ sung thêm tính năng chống nước, bạn chỉ cần chọn loại kem có chứng nhận Waterproof là có thể yên tâm sử dụng.
Dễ để lại vệt trắng trên da
Đây là khuyết điểm lớn của kem chống nắng vật lý, và cũng là “con dao hai lưỡi” của loại kem này. Kem chống nắng vật lý có tác dụng phụ là nâng tông da – một ưu điểm đối với làn da trắng nhưng lại dễ trở thành một “thảm họa” đối với người da ngăm.
Vệt trắng trên da là khuyết điểm khiến nhiều người ngần ngại với kem chống nắng vật lý
Nếu tán không kỹ, kem chống nắng vật lý rất dễ để lại các vệt trắng lem nhem trên da. Mặt khác do chất kem đặc nên kem khó tiệp vào da, bạn cần thoa từng lớp mỏng để đảm bảo da được đều màu và không để lại đường rãnh trên các nếp nhăn (nếu có).
Kem chống nắng vật lý phù hợp nhất với người có làn da nhạy cảm.
Như đã đề cập, kem chống nắng vật lý có thế mạnh nổi bật là sự lành tính với da, do đó người có làn da nhạy cảm đến rất nhạy cảm, với những đặc điểm như da mỏng, dễ bị ửng đỏ thành mảng (bệnh Rosacea), mẩn đỏ, dị ứng thời tiết, dễ cháy nắng nên ưu tiên kem chống nắng vật lý hàng đầu.
Kem chống nắng vật lý cũng được khuyên dùng cho người có làn da thường đến da khô. Đối với người có da quá khô, bạn nên lưu ý lựa chọn kem chống nắng vật lý có chứa cả thành phần dưỡng ẩm như Hyaluronic Acid hay Glycerin.
Người có làn da yếu và dễ bị kích ứng nên ưu tiên kem chống nắng vật lý
Nếu lựa chọn dưới góc độ màu sắc da, kem chống nắng vật lý sẽ là lựa chọn lý tưởng cho người có làn da sáng màu.
Ngoài ra người làm việc trong môi trường công sở không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể cân nhắc kem chống nắng vật lý.
5. Top 5 kem chống nắng vật lý khuyên dùng
Drunk Elephant Umbra Sheer™ Physical Daily Defense
Phù hợp với: da nhạy cảm
Chỉ số chống nắng: SPF 30+
Thành phần:
- Chống nắng: Zinc Oxide (20%)
- Chống oxy hóa, cấp ẩm: Astaxanthin, hạt hoa hướng dương, hạt mâm xôi
Drunk Elephant có chỉ số SPF 30, thích hợp với sử dụng hàng ngày trong môi trường nắng vừa phải và là dòng kem chống nắng phổ rộng, tức là cản được cả tia UVA và UVB. Chất kem của Drunk Elephant dễ tán, không nâng tone da, sau 5 phút sẽ tiệp vào da khá tự nhiên.
Drunk Elephant được giới chuyên môn đánh giá là an toàn cho da, đạt nhiều giải thưởng cho sản phẩm chống nắng an toàn và tốt nhất từ các tạp chí làm đẹp nổi tiếng. Đặc biệt sản phẩm không chứa Silicon và Paraben, an toàn tuyệt đối với làn da nhạy cảm nhất.
Murad City Skin Age Defense
Phù hợp với: da có dấu hiệu lão hóa, da nhạy cảm
Chỉ số chống nắng: SPF 50+ / PA ++++
Thành phần:
- Chống nắng: Zinc Oxide 10%, Titanium Dioxide 2,7%
- Chống ánh sáng xanh: Lutein chiết xuất từ hoa cúc vạn thọ
- Dưỡng ẩm: Glycerin, Butylene Glycol
Sản phẩm có khả năng chống 96% ô nhiễm, 89% tác hại của ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, và 52% bức xạ tia UV (UVB, UVA), đặc biệt thích hợp với dân công sở văn phòng nên có tên gọi là “làn da thành thị”.
Kết cấu kem thuộc dạng lỏng, dễ tán và có màu ngả nude tương tự tone da, có thể hiệu chỉnh màu da ở mức cơ bản. Khả năng kiềm dầu, giữ ẩm và chống nắng đều được đánh giá tốt. Điểm trừ của sản phẩm là có chứa một lượng nhỏ Dimethicone, và mức giá khá cao so với mặt bằng chung.
The Saem Eco Earth Power
Phù hợp với: mọi loại da
Chỉ số chống nắng: SPF 50+ / PA ++++
Thành phần: Titanium Dioxide và Zinc Oxide
Kem chống nắng The Saem có 4 dòng, với chất kem nhìn chung không quá đặc, chỉ nâng tông nhẹ màu ngả hồng hoặc vàng tự nhiên, tuy nhiên nếu không tán đều tay thì vẫn có thể để lại vệt trắng trên da.
Pink Sun Cream |
Mild Sun Cream |
Light Sun Cream |
Waterproof Sun Cream |
Da nhạy cảm |
Da nhạy cảm |
Da dầu, da mụn |
Mọi loại da |
Cúc La Mã, dầu hạt chia, rau má |
Hạt Macca, hoa cúc, Niacinamide |
Hoa violet, khế, Niacinamide |
Thảo dược, vitamin E và khoáng chất |
Làm dịu và mềm da Dưỡng ẩm Nâng tone nhẹ Kiềm dầu |
Tăng sinh Collagen Kháng viêm Nâng tone nhẹ Kiềm dầu |
Kiềm dầu Chống nước Nâng tone da nhẹ |
Kháng nước, chuyên dùng ngoài trời Khả năng kiềm dầu tốt nhất |
Cell Fusion C Laser Sunscreen 100 SPF50+ / PA+++
Phù hợp với: da nhạy cảm, da khô
Chỉ số chống nắng: SPF 50+ / PA+++
Thành phần:
- Chống nắng: Titanium Dioxide, Zinc Oxide
- Chống oxy hóa: Collagen, vitamin E, Ubiquinone
- Dưỡng ẩm: Glycerin, Butylene Glycol
- Kiềm nhờn: Disteardimonium Hectorite, Magnesium sulfate, Aluminum Hydroxide
Thời gian chống nắng của Cell Fusion C lên tới 7h liên tục, nếu bạn không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, mỗi ngày bạn chỉ cần thoa kem 1 lần vào buổi sáng là đủ. Ngoài công năng chống nắng, Cell Fusion C còn có thể cản bụi bẩn.
Chất kem khá lỏng và thẩm thấu nhanh, hạn chế khuyết điểm để lại vệt trắng trên da, tuy nhiên vẫn có công dụng nâng tone da. Cell Fusion C kiềm dầu khá tốt.
Một điểm cộng nữa của Cell Fusion C là có chứa AHA và BHA với nồng độ thấp, thích hợp với người bị mụn thể nhẹ. Kem giúp tẩy tế bào chết và đẩy nhân mụn hiệu quả.
Khuyết điểm duy nhất của sản phẩm là có chứa Dimethicone – khá thường thấy trong kem chống nắng, tuy nhiên nếu da bạn không quá mẫn cảm thì vẫn có thể cân nhắc vì nồng độ chất Silicone này khá thấp.
Anessa Perfect UV Sunscreen Mild Milk
Phù hợp với: da nhạy cảm, da dầu
Chỉ số chống nắng: SPF 50+
Thành phần:
- Chống nắng: Titanium Dioxide, Zinc Oxide
- Chống lão hóa: Sodium Hyaluronate, Tocopherol (Vitamin E)
- Dưỡng ẩm: Hyaluronic Acid, Glycerin, chiết xuất hoa anh đào
Kết cấu của Anessa là dạng sữa lỏng khá dễ tán và mang lại cảm giác mát nhẹ khi thoa lên da. Anessa cho khả năng kiềm dầu tương đối cao và thời gian chống nắng khá dài khoảng 5 – 7h nếu không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Khi mới thoa, kem có thể nâng tone da nhẹ nhưng sau vài phút thì tiệp vào da khá tự nhiên. Tính dưỡng ẩm cũng được đánh giá ở mức khá, tuy nhiên đối với người có da khô thì vẫn cần có một lớp kem dưỡng ẩm trước khi thoa kem chống nắng.
Ngoài ra Anessa có mùi hương liệu nhưng không quá nồng, sau khi sử dụng 1 – 2 lần sẽ quen và không gây kích ứng với da nhạy cảm. Sản phẩm có chứa Dimethicone với nồng độ thấp.
6. Lưu ý khi dùng kem chống nắng vật lý
Da mụn có nên dùng kem chống nắng vật lý không?
Có nhiều tranh cãi xung quanh việc da mụn có nên sử dụng kem chống nắng vật lý hay không. Có người cho rằng kem chống nắng vật lý có thể gây bí bách cho da và khiến mụn nặng thêm do chất kem quá dày. Có người lại đưa ra ý kiến rằng kem chống nắng vật lý lành tính, vì vậy giúp cải thiện tình trạng mụn tốt hơn so với kem chống nắng hóa học.
Thực tế là không có ý kiến nào đúng hoàn toàn vì tất cả phụ thuộc vào cơ địa của bạn. Có người da mụn hợp dùng kem chống nắng vật lý và có người không, bạn chỉ có một cách duy nhất để xác định đó là tự mình thử nghiệm.

Nếu chọn kem chống nắng vật lý cho da mụn, bạn nên ưu tiên những tiêu chí sau: kem có nhãn “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông), kết cấu nhẹ, giàu ẩm và không chứa dầu.
Bôi bao nhiêu kem chống nắng vật lý là đủ?
Khoảng 1 – 2 hạt đậu.
Do kem chống nắng vật lý có kết cấu khá đặc nên bạn chỉ nên lấy 1 – 2 hạt đậu cho mỗi lần bôi. Hãy thoa từng lớp mỏng một và dàn thật đều để kem tiệp vào màu da, cho da cảm giác khô thoáng nhẹ nhàng và tránh tình trạng vón cục.
Bạn chỉ nên lấy một lượng vừa phải và chấm kem thành từng điểm nhỏ, tránh chà xát
Nhiều người cho rằng bôi càng nhiều kem thì hiệu quả chống nắng sẽ càng cao, mặt khác kem chống nắng vật lý còn giúp nâng tông nên có thể có sức “cám dỗ” lớn đối với người thích có làn da trắng. Tuy nhiên quan niệm này là sai lầm vì bôi nhiều kem chỉ khiến da thêm bí bách, các phân tử chống nắng phải “chen chúc” trên da với mật độ dày đặc, làm hiệu quả chống nắng kém đi.
Sau bao nhiêu lâu nên bôi lại kem chống nắng vật lý?
Khoảng 3h.
Kem chống nắng vật lý có tác dụng lâu dài hơn kem chống nắng hóa học, bạn có thể căn cứ vào thông số trên vỏ sản phẩm để xác định chính xác thời gian nên bôi lại kem. Tuy nhiên trung bình sau 3h bạn nên bôi lại. Trong trường hợp da đổ nhiều dầu, thời gian có thể rút xuống 2h do kem chống nắng vật lý có đặc tính dễ trôi.

Nếu sử dụng kem chống nắng khi đi bơi, bạn nên thoa lại kem sau khoảng 40 – 80 phút
Ở môi trường công sở với điều hòa và không gian ít nắng, bạn có thể bôi lại vào đầu giờ chiều trước khi bắt đầu ca làm việc mới. Lưu ý hãy tẩy trang hoặc ít nhất là lau mặt bằng nước ấm trước khi thoa lại lớp kem mới để tránh nổi mụn.
Thoa kem như thế nào là đúng?
Kem chống nắng nên được thoa sau bước kem dưỡng ẩm trong chu trình skincare, bạn lưu ý nên để kem dưỡng ẩm thẩm thấu hết vào da rồi mới bôi kem chống nắng, như vậy sẽ hạn chế tình trạng nhờn dính của kem trên da. Thông thường bạn cần đợi 1 – 2 phút.
Bạn nên giữ cho bề mặt da khô thoáng trước khi thoa kem chống nắng
Sau khi sử dụng kem chống nắng, bạn đừng quên tẩy trang sâu với tẩy trang chuyên dụng và sữa rửa mặt. Với chất kem đặc như kem chống nắng vật lý, bạn nên sử dụng dầu tẩy trang.
Làm thế nào để hạn chế vệt trắng trên da?
Vệt trắng do kem chống nắng vật lý tạo ra khiến bạn khó chịu và có thể làm lớp trang điểm không đều màu. Bạn có thể giải quyết tình trạng này bằng một số biện pháp dưới đây:
- Dùng mút trang điểm để tán kem chống nắng
- Nếu dùng tay, bạn nên chấm kem thành từng điểm nhỏ rồi vỗ nhẹ trên da
- Trộn kem chống nắng có màu với kem chống nắng thường để trung hòa sắc trắng
- Dùng phấn không màu dạng lì cho lớp nền
- Trong trường hợp vón cục, hãy dùng xịt khoáng xịt lên phần bị vón rồi lau nhẹ bằng bông tẩy trang hoặc khăn giấy
Thông điệp cho bạn
Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của mình, điều quan trọng là bạn xác định được loại da của bản thân có phù hợp với loại kem chống nắng đó hay không, để phát huy tối đa ưu điểm, cũng như giảm thiểu tối đa những khiếm khuyết và rủi ro mà sản phẩm có thể đem lại.
Nếu sử dụng kem chống nắng dạng xịt chứa Titanium Dioxide, bạn cần chọn loại có dạng phân tử Ultra. Việc hít phải các hạt Nano có thể nguy hiểm cho não bộ của bạn.