Hằng ngày, do môi của bạn tiếp xúc nhiều với tia UV trong ánh nắng, khói bụi, sự thay đổi nội tiết, thiếu hụt vitamin…kết hợp với quá trình thay mới tự nhiên của lớp tế bào ngoài cùng làm cho da môi trở nên thâm, sần sùi, nhăn nheo. Để giải quyết những vấn đề kể trên, cách đơn giản nhất là chăm chỉ tẩy tế bào chết cho môi. Tẩy tế bào chết môi là gì và làm cách nào để tẩy tế bào chết cho môi? Qua bài viết dưới đây, SkinBlog sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc của bạn về tẩy tế bào chết môi.

một đôi môi phủ đường kínhTẩy tế bào chết môi đều đặn hạn chế tình trạng da môi bong tróc, nứt nẻ

Tẩy tế bào chết môi là gì?

Tẩy tế bào chết môi là hình thức loại bỏ tế bào da chết trên bề mặt ngoài cùng của làn da môi. Tẩy da chết cho môi có thể được thực hiện thông qua phương pháp cơ học hoặc hóa học. Điều này giúp loại bỏ các lớp da khô, bụi bẩn bên ngoài, giúp môi căng mọng và hồng hào.

Lợi ích của tẩy tế bào chết môi

  • Tẩy tế bào da chết cho môi sẽ giúp lấy đi lớp da chết sần, khô và bụi bẩn bên ngoài từ đó giúp đôi môi hồng hào, căng mọng, khỏe mạnh và đầy quyến rũ.
  • Tẩy tế bào chết cho môi thường xuyên còn giúp son môi, chì kẻ môi, son dưỡng và son bóng giữ và phát huy được tác dụng hiệu quả hơn.
  • Tẩy tế bào chết cho môi giúp cho lớp tế bào cũ bong ra tạo điều kiện cho các dưỡng chất từ son dưỡng, kem dưỡng ẩm, mặt nạ cho môi thẩm thấu dễ hơn, cấp ẩm cho môi; giảm mạnh sự khô nẻ và nứt môi.
  • Bước tẩy da chết cho môi giúp đẩy nhanh quá trình sản sinh ra tế bào mới, mang lại cho bạn đôi môi mềm mại và đẹp quyến rũ.

một đôi môi hồng hàoMôi hồng hào, căng mọng hơn nhờ tẩy da chết môi

5 cách tẩy tế bào chết môi bằng nguyên liệu tự nhiên

Tẩy tế bào chết môi bằng đường nâu, mật ong và dầu dừa

Nguyên liệu: Đường nâu, dầu dừa và mật ong là 3 nguyên liệu đơn giản và vô cùng dễ khiếm trong gian bếp của nhà mình.

Cách thực hiện:

  • Bạn chỉ cần trộn một muỗng cà phê dầu dừa và mật ong với nhau. Nếu hỗn hợp quá loãng hay quá đặc bạn có thể để vào tủ lạnh hoặc hâm nóng cho phù hợp. Sau đó cho vào dung dịch đã trộn kỹ này 2 muỗng đường nâu tiếp tục trộn đều. Cuối cùng cho thêm 1 muỗng dầu dừa và cất chúng vào hũ thủy tinh để có thể sử dụng trong khoảng 2 tuần.
  • Bạn bôi hỗn hợp lên môi và massage trong khoảng 1 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm là được. Làm 2 lần mỗi tuần để có kết quả nhé.
  • Nếu trong tủ nhà bạn k có dầu dừa bạn có thể  thay thế bằng dầu olive hoặc 1 vài giọt nước cốt chanh nhé.

một lọ đường nâu trộn mật ongHỗn hợp tẩy da chết cho môi bằng đường nâu

Tẩy tế bào chết môi bằng kem đánh răng

Nguyên liệu: Kem đánh răng, bàn chải đánh răng.

Cách thực hiện:

  • Thoa một lớp mỏng kem đánh răng lên môi và dùng bàn chải mềm chà đi chà lại bờ môi, hoặc là chỉ dùng khăn giấy lau sạch đi là được rồi rửa sạch với nước.
  • Kem đánh răng có chứa nhiều chất tẩy nên sau khi dùng sẽ làm đôi môi của bạn sẽ khô căng nên hãy thoa một lớp dầu oliu hay son dưỡng ngay sau khi tẩy tế bào da chết cho môi bằng kem đánh răng để dưỡng ẩm cho môi nhé.

Tẩy da chết cho môi bằng bàn chải đánh răng

Tẩy tế bào chết môi bằng bột baking soda và mật ong

Nguyên liệu: bột baking soda và mật ong.

Cách thực hiện: 

  • Trộn 1 muỗng mật ong vào 1 muỗng baking soda và bôi hỗn hợp này lên môi trong khoảng 5 phút. 
  • Sau đó rửa sạch và massage lại làn môi bằng nước ấm. 
  • Cuối cùng, đừng quên bôi một lớp dưỡng ẩm lên môi nhé.

Tẩy tế bào chết môi bằng bột yến mạch và mật ong

Nguyên liệu: Bột yến mạch và mật ong

Cách thực hiện: 

  • Trộn 1 muỗng bột yến mạch với 1 chút nước ấm để hỗn hợp trong 3-5 phút cho yến mạch nở đều bạn thêm 1 muỗng mật ong vào hỗn hợp. Nếu thấy hỗn hợp hơi khô hãy cho thêm 1 chút mật ong vào nhé. 
  • Bôi hỗn hợp lên môi và massage trong khoảng 1 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm là được. Làm 2 lần mỗi tuần để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Cuối cùng, nhớ bôi lên 1 lớp dưỡng ẩm để đôi môi luôn mềm mịn và căng bóng.

một hũ yến mạch trộn mật ongHỗn hợp yến mạch và mật ong

Tẩy tế bào chết môi bằng vaseline, đường và muối

Nguyên liệu: 1 hũ vaseline, nửa muỗng đường, nửa muỗng muối.

Cách thực hiện: 

  • Lấy một ít vaseline, trộn cùng nửa muỗng cà phê đường và muối cho thật nhuyễn rồi thoa chúng lên môi. 
  • Đắp trong khoảng 5 phút, massage nhẹ nhàng và rửa sạch với nước ấm.
  •  Cuối cùng, đừng quên bôi thêm một lớp dưỡng ẩm cho môi thêm mịn màng.

Cách sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết môi

Chọn sản phẩm tẩy tế bào chết môi phù hợp

Nếu bạn sở hữu đôi môi tối màu và có nhiều vảy da chết và thường xuyên bị khô nứt nẻ thì phương pháp tẩy da chết cho môi bằng nguyên liệu thiên nhiên là không hiệu quả. Khi ấy, bạn cần tìm cho mình một sản phẩm tẩy da chết cho môi chuyên dụng. 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại tẩy tế bào da chết khác nhau nhưng sẽ được chia làm 2 loại là tẩy da chết dạng hạt và dạng sủi bọt. Mỗi loại sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng của chúng, mình sẽ điểm da những ưu, nhược điểm ấy để các cô nàng xinh đẹp của mình có thể tìm cho mình sản phẩm tẩy tế bào da chết cho môi phù hợp và ưng ý nhất cho bản thân nhé!

Tẩy da chết  Scrub – tẩy da chết dạng hạt

Ưu điểm:
  • Sau khi thực hiện bạn sẽ có thể nhận thấy làn da của mình trở nên láng mượt và mịn màng ngay lập tức.
  • Thành phần lành tính và an toàn, không chứa axit.
  • Dễ dàng thực hiện.
  • Giá thành rẻ vì có thể tận dụng các loại tẩy tế bào chết bằng các loại bột và thực phẩm thiên nhiên.
Nhược điểm:
  • Khi sử dụng sẽ khiến bạn có cảm giác hơi đau nhẹ khi các hạt nhỏ này ma sát lên da. Chúng có thể khiến làn da của bạn bị tổn thương nếu chà sát lâu và sử dụng quá nhiều lần.

Tẩy da chết cho môi dạng hạt

Tẩy da chết dạng sủi bọt

Ưu điểm:
  • Tẩy da chết cho môi dạng sủi bọt là giải pháp hoàn hảo cho các vấn đề về tẩy trang, tẩy chất bẩn, chất sừng và tế bào chết cho môi. 
  • Với thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, chúng rất dịu nhẹ để bạn có thể sử dụng mỗi ngày,  mang lại một đôi môi mềm mịn và hồng hào.
Nhược điểm: 
  •  Ít sản phẩm và giá thành thường cao.
  • Tẩy da chết cho môi dạng sủi bọt chúng rất dịu nhẹ nên hiệu quả tẩy da chết k cao như  tẩy da chết cho môi dạng hạt.

Tẩy da chết cho môi dạng sủi bọt

Nếu bạn sở hữu đôi môi hồng hào và ít có vảy da chết hãy chọn tẩy da chết cho môi dạng sủi bọt. Cô nàng nào có đôi môi sẫm màu hoặc thường xuyên bị khô môi bong tróc nứt nẻ vậy hãy chọn tẩy da chết cho môi dạng hạt hoặc sử dụng đan xen giữa 2 dạng trên. Dù bạn chọn bất kể loại tẩy da chết nào cho môi thì cũng nên tẩy da chết cho môi từ 1-2 lần mỗi tuần nhằm loại bỏ bụi bẩn và lớp tế bào da chết giúp đôi môi của chúng ta luôn hồng hào. 

Thực hiện tẩy tế bào chết môi đúng cách

Các bước tẩy da chết cho môi đúng cách:

  • Tẩy trang cho môi

    Các nàng hoàn toàn có thể sử dụng luôn nước tẩy trang cho mặt của mình để tẩy trang cho môi. Tuy nhiên với các loại son lì và che khuyết điểm cho môi, chì kẻ viền môi mình khuyên rằng bạn nên sử dụng loại nước tẩy trang riêng biệt dành cho môi để có thể tẩy sạch đi lớp makeup cho môi một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian nhất có thể.

  • Làm sạch môi

    Các nàng làm sạch môi bằng cách thấm nước ấm vào khăn bông hoặc bông tẩy trang và bắt đầu lau nhẹ nhàng trên môi vài lần để làm sạch môi sau khi tẩy trang. Các bạn cũng có thể sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sách môi để chắc chắn đôi môi của chúng ta đã thật sạch để sẵn sàng thực hiện bước tẩy da chết.

  • Tẩy tế bào chết môi

    Ngay sau khi làm sạch môi, khi đôi môi bạn còn ẩm hãy lấy 1 lượng vừa đủ sản phẩm hoặc hỗn hợp tẩy da chết cho môi mà bạn đã chuẩn bị trước ra tay và bôi lên môi kết hợp massage nhẹ nhàng theo hình vòng tròn trên môi trong khoảng thời gian từ 3-5 phút.

  • Rửa sạch

    Nhẹ nhàng rửa sạch lại môi bằng nước ấm rồi tiếp tục thực hiện bước tiếp theo.

  • Dưỡng ẩm cho môi

    Sau khi tẩy da chết là lúc da bạn đang ở trạng thái tốt nhất để hấp thụ các chất dinh dưỡng cho đã mất đi lớp sừng bên ngoài vì vậy hãy ngay lập tức cấp ẩm cho đôi môi bằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm, son dưỡng môi.

Lưu ý khi tẩy da chết cho môi

Thực hiện một cách nhẹ nhàng

Khi tẩy da chết cho môi bạn hãy dùng tay massage thật nhẹ nhàng, tránh tác động lực mạnh hay chà sát quá nhiều sẽ làm cho môi của bạn bị tổn thương dẫn tới chảy máu, thâm môi,… Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng để tẩy da chết nhẹ nhàng theo chuyển động tròn nhỏ. Nếu đôi môi của bạn nhạy cảm, hãy sử dụng bàn chải đánh răng cỡ nhỏ dành cho trẻ em để có được tác động tương tự mà không làm tổn thương làn da của bạn …

Hạn chế tẩy tế bào chết quá mức

Tẩy da chết cho môi là việc phải làm thường xuyên và định kỳ nhưng tuyệt đối không nên lạm dụng liệu pháp tẩy tế bào chết cho môi quá nhiều. Bạn chỉ nên tẩy da chết 1-2 lần /tuần, điều này là đủ để loại bỏ da khô để giúp duy trì đôi môi mềm mại và dẻo dai. Tẩy da chết quá nhiều sẽ làm cho da môi của bạn ngày càng mỏng đi và dễ bị tổn thương.

Chủ động bảo vệ đôi môi của bạn

Khi ra ngoài trời, hãy đảm bảo thoa son dưỡng có thành phần SPF để bảo vệ đôi môi của bạn khỏi ánh nắng mặt trời có hại.

Hãy giữ ẩm cho đôi môi sau khi tẩy tế bào chết

Sau khi tẩy da chết cho môi, đôi môi khi này đã bị mất đi lớp sừng bảo vệ nên rất dễ bị khô hoặc tổn thương nhưng cũng lại là thời điểm VÀNG để hấp thụ tối đa các dưỡng chất. Vì vậy, ngay sau khi tẩy da chết bạn cần cấp ẩm cho đôi môi bằng cách sử dụng son dưỡng môi hoặc kem dưỡng ẩm.

THÔNG ĐIỆP CHO BẠN

Việc tẩy tế bào chết môi định kỳ sẽ góp phần cải thiện những vấn đề của môi, mang lại một bờ môi sáng hồng và căng mọng. Ngoài ra, việc tẩy da chết cho môi đều đặn cũng giúp các nàng hạn chế tình trạng bong tróc, nứt nẻ và phát huy tối đa hiệu quả của các sản phẩm mỹ phẩm dành cho môi. Với những lợi ích đó, đừng bỏ quả việc tẩy tế bào chết môi nhé. Một đôi môi căng mọng, đầy sức sống sẽ góp phần tôn lên nụ cười toả sáng của bạn và khiến diện mạo bạn trở nên rạng ngời, tươi tắn hơn nhiều đấy. 

Leave a Reply