Những đường sọc ngoằn ngoèo mất thẩm mỹ xuất phát từ hiện tượng rạn da khiến nhiều người phiền lòng. Bạn đã nắm được hết những nguyên nhân gây rạn da? Có thể chữa rạn da bằng những phương pháp nào? SkinBlog sẽ giải đáp toàn bộ những thắc mắc của bạn trong bài viết dưới đây.

1. Rạn da là gì?

Rạn da hay nứt da là hiện tượng trên da xuất hiện những đường sọc dài, có thể đi kèm với cảm giác ngứa ngáy hoặc không. Ban đầu những vết rạn mang màu hồng nhạt, màu nâu hoặc màu tím, sau một thời gian sẽ mờ dần sang màu trắng đục. Rạn da thường xuất hiện ở những vùng như ngực, bụng, thắt lưng, mông, đùi và bắp chân. Đây là những vùng da mỏng và yếu, dễ bị phá vỡ cấu trúc da trên cơ thể.

Rạn da có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi

2. Vì sao bị rạn da? 

Bản chất của rạn da là sự thay đổi nhanh chóng về cấu trúc da, dẫn đến sự liên kết giữa các tế bào cấu tạo da bị đứt gãy, lỏng lẻo và biểu hiện trên bề mặt da là những vết rạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rạn da.

Rạn da do dậy thì 

Tuổi dậy thì là thời kỳ cơ thể có nhiều thay đổi nhanh chóng về chiều cao, cân nặng và cả lượng hormones. Thay đổi đột ngột trong thời gian ngắn về thể trọng và nội tiết khiến da không thích ứng kịp, dễ bị “kéo giãn” dẫn đến rạn nứt da. 

Rạn da do mang thai 

Khi phụ nữ mang thai, vùng da bụng thường chứng kiến tình trạng rạn da do cơ thể phải thay đổi để tạo “vùng chứa” cho thai nhi. Dễ thấy là vùng da căng bóng và mỏng hơn trước, các sợi Collagen và Elastin có liên hệ lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

Mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng rạn da

Thai càng lớn, phụ nữ càng dễ gặp phải rạn da và các vết nứt này có thể lan đến cả vùng ngực và đùi. Mặt khác, sự thay đổi hàm lượng hormones bên trong cơ thể khi mang thai cũng là nguyên nhân gây ra nứt da.

Rạn da do không kiểm soát thể trọng 

Tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn cũng khiến da bị “giãn nở” và hình thành các đường rạn nứt, chủ yếu là trên bụng và đùi. Cá biệt có thể xuất hiện rạn da trên cả gương mặt. Giảm cân đột ngột cũng có thể gây rạn da, tuy nhiên hiện tượng này không phổ biến bằng hiện tượng da chảy xệ và chùng nhão. 

Điều này có thể khó tin, nhưng tập thể dục quá nhiều cũng là nguyên nhân gây rạn da. Trường hợp này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Cụ thể, nếu không kiểm soát khối lượng cơ bắp, vùng vai và ngực bị phát triển quá độ sẽ dễ xuất hiện trạng thái rạn nứt da.

Rạn da do sử dụng thuốc

Việc sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chứa Corticoid cũng là nguyên nhân gây rạn da nếu dùng trong thời gian dài và thường xuyên. Lý do là vì trong thành phần của thuốc có thể chứa chất gây ức chế quá trình sản sinh Collagen, làm kết cấu da trở nên yếu hơn. Thuốc chứa Corticoid, chủ yếu là dạng bôi có thể bào mòn da và làm da dễ rạn.

Corticoid là một chất phổ biến trong mỹ phẩm, bạn nên cẩn trọng khi dùng thành phần này

Các nguyên nhân khác

Rạn da cũng có thể là hậu quả của một số loại bệnh như hội chứng Cushing, hội chứng Marfan, Ehlers – Danlos và các rối loạn tuyến thượng thận khác. 

Ở hội chứng Cushing, cơ thể tăng sinh hormone cortisol khiến da bị rạn nứt. Còn hội chứng Marfan là một dạng di truyền theo gen, bẩm sinh da và mô liên kết dưới da của người mắc bệnh này đã yếu hơn người khác nên dễ dẫn đến tình trạng rạn da.

3. Trị rạn da bằng nguyên liệu thiên nhiên 

Các nguyên liệu thiên nhiên vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu nhờ độ lành tính cao và phù hợp với mọi loại da, cả trong điều trị rạn da cũng vậy. Thành phần thiên nhiên hiệu quả nhất trong điều trị các vết rạn da ở cấp độ nhẹ.

Sử dụng dầu dừa hoặc dầu olive 

Dầu dừa và dầu olive rất giàu thành phần dưỡng ẩm, giúp củng cố lại cấu trúc da. Trong dầu dừa và dầu olive đều dồi dào các acid béo và chất chống oxy hóa, những thành phần này sẽ hỗ trợ làm da săn chắc trở lại, giảm thiểu tác hại của quá trình lão hóa, khôi phục lại độ đàn hồi cho da và xóa mờ vết thâm do rạn da để lại.

Dầu dừa ngoài dưỡng tóc còn điều trị rạn da hiệu quả

Để dùng dầu dừa hoặc dầu olive trị rạn da, bạn làm nóng tay, đổ dầu vào lòng bàn tay và xoa đều lên vùng da bị rạn trong 10 phút.

Bạn nên chú ý massage nhẹ nhàng theo hướng vòng tròn, tránh chà xát nhiều hay chà xát quá mạnh lên bề mặt da. Bạn chỉ cần lấy một lượng dầu nhỏ, đủ để không gây nhờn dính và không cần phải rửa lại sau khi massage xong.

Bạn có thể trộn lô hội với dầu olive tạo thành hỗn hợp sệt để massage vùng da bị rạn. Cách làm này hiệu quả với người có làn da khô.

3.2. Sử dụng lòng trắng trứng

Lòng trắng trứng giàu các protein và acid béo, các thành phần thiết yếu giúp bề mặt da trở nên mịn màng và căng bóng. Nếu kiên trì sử dụng lòng trắng trứng trong 1 đến 2 tháng, bạn có thể thấy vết thâm do rạn da mờ đi rõ rệt và vùng da bị rạn cũng săn chắc hơn.

Các bước trị rạn da với lòng trắng trứng:

  • Đánh tan 2 lòng trắng trứng

  • Thoa lòng trắng trứng lên vùng da bị rạn (có thể dùng cọ trang điểm)

  • Để khô tự nhiên, sau đó rửa lại bằng nước lạnh

Bạn nên kết hợp massage nhẹ nhàng bằng tay để giúp dưỡng chất thấm đều hơn. Sau khi rửa sạch lại với nước, bạn có thể thoa một lớp dầu olive mỏng lên vùng da bị rạn, giúp giữ ẩm cho da.

3.3. Sử dụng chanh

Chanh là loại quả rất thông dụng và dễ kiếm, trong chanh chứa nhiều vitamin C và một số chất dinh dưỡng khác hiệu quả cho việc cải thiện vết thâm, tình trạng da không đều màu do rạn nứt. Tuy nhiên bạn nên lưu ý không sử dụng chanh nếu vết rạn gây ngứa vì acid có thể lọt vào các kẽ nứt trên da gây xót và khó chịu cho cơ thể bạn.

Các bước trị rạn da với chanh:

  • Cắt chanh thành lát mỏng, xoa đều lên vùng da bị rạn

  • Để khô tự nhiên, rửa lại vùng da bằng nước ấm

  • Thoa kem dưỡng ẩm

Bạn có thể vắt lấy nước cốt chanh rồi thoa lên vùng da bị rạn cũng cho kết quả điều trị tương đương. Nếu chọn phương pháp lấy nước cốt, bạn nên nghiền lấy nước cả dưa chuột rồi trộn hai loại nước cốt này với nhau, dưa chuột sẽ giúp làm dịu da và chống lão hóa.

Chanh đem lại hiệu quả trị thâm cho các vùng da rạn

Bạn cũng nên lưu ý nếu sử dụng chanh, bạn cần che chắn vùng da kỹ càng và thoa kem chống nắng đúng liều lượng, do vitamin C trong chanh dễ làm da bị bắt nắng. 

Sử dụng lô hội 

Lô hội chứa Glucomannan và Gibberellin giúp tái tạo tế bào da và sản sinh Collagen vượt trội. Do đó lô hội rất có ích trong việc cải thiện độ đàn hồi của da, giúp da săn chắc trở lại khi gặp tình trạng rạn nứt. Các chất chống oxy hóa và vitamin trong lô hội cũng giúp cải thiện vết thâm do rạn da để lại.

Các bước trị rạn da với lô hội:

  • Lột vỏ lá lô hội tươi, bôi trực tiếp lên vùng da bị rạn

  • Massage nhẹ nhàng với lô hội trong 15 phút

  • Rửa lại bằng nước ấm

Ngoài ra bạn có thể kết hợp lô hội với vitamin để tăng cường hiệu quả trị thâm:

Các bước trị rạn da với lô hội và vitamin:

  • Chuẩn bị gel lô hội tươi, 10 viên vitamin E và 5 viên vitamin A

  • Nghiền viên vitamin ra, trộn đều với gel lô hội đến khi thành hỗn hợp sệt

  • Thoa đều từng lớp mỏng hỗn hợp lên vùng da bị rạn

  • Rửa sạch lại da với nước ấm

Sử dụng nghệ và sữa chua

Nghệ là thành phần tự nhiên trị thâm rất hiệu quả, và nó công hiệu với cả những vết thâm “cứng đầu” do rạn da. Trong nghệ giàu vitamin E và các chất chống oxy hóa khác, ngoài ra nghệ còn có công dụng kháng viêm.

Hỗn hợp chứa sữa chua có thể giúp da mịn màng hơn và làm sáng da

Sữa chua có Acid Lactic giúp tẩy tế bào chết và chung công dụng làm sáng da như nghệ, đồng thời giúp ngăn chặn quá trình lão hóa, làm săn chắc lại vùng da bị rạn.

Các bước trị rạn da bằng sữa chua:

  • Chuẩn bị 1 muỗng cà phê bột nghệ và 1 muỗng cà phê sữa chua

  • Trộn đều thành hỗn hợp sệt

  • Bôi hỗn hợp lên vùng da rạn, massage nhẹ nhàng

  • Để khô trong 15 phút, rửa lại bằng nước ấm

Khi sử dụng sữa chua, bạn nên chọn loại sữa chua nguyên chất không đường, tránh các loại sữa chua có hương liệu để đạt hiệu quả tốt nhất. Bạn cũng có thể thay thế bột nghệ bằng mật ong nguyên chất, cũng cho ra kết quả tương đương.

4. Trị rạn da bằng mỹ phẩm 

Các biện pháp sử dụng thành phần tự nhiên có ưu điểm lành tính, nhưng cũng có nhược điểm là tác dụng chậm và chỉ phát huy hiệu quả với vết rạn nhẹ và các đường sọc mờ. Nếu tình trạng rạn da của bạn nặng hơn, bạn nên tham khảo các loại mỹ phẩm đặc trị rạn da.

Các thành phần nên có trong mỹ phẩm trị rạn da

Vitamin C và vitamin E

Vitamin C và vitamin E rất cần thiết trong mỹ phẩm trị rạn da. Cụ thể, vitamin C giúp cải thiện và làm sáng màu da cũng như tham gia hỗ trợ quá trình sản sinh Collagen. Còn vitamin E có khả năng chống oxy hóa, giảm hình thành nếp nhăn trên da và các dấu hiệu lão hóa khác.

Vitamin C và vitamin E là những thành phần quen thuộc trong kem trị rạn da

Với sự trợ giúp của vitamin C và E, các mỹ phẩm trị rạn da đã “bao phủ” toàn diện những vấn đề do rạn da mang lại như da thiếu săn chắc, da yếu và khô, da không đều màu, chuyển thâm.

Tretinoin 

Đây là một dạng tổng hợp của vitamin A, thông thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên hợp chất này cũng có khả năng thúc đẩy sự tăng sinh Collagen và Elastin, kích thích tốc độ sản sinh tế bào mới khỏe mạnh hơn và đào thải tế bào cũ dưới dạng da chết, với mục đích cuối cùng là giúp da trở nên sáng và láng mịn hơn.

Tretinoin có tác động mạnh đến làn da, bạn nên cẩn trọng khi sử dụng

Tretinoin cũng thuộc nhóm Retinoid nhưng có hoạt tính mạnh hơn Retinol nhiều lần. Vì vậy bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng mỹ phẩm chứa hợp chất này, đề phòng trường hợp bị dị ứng.

Acid Glycolic

Acid Glycolic là một thành phần khá quen thuộc trong các loại mỹ phẩm dưỡng da, có thể thấy hợp chất này trong sữa rửa mặt lẫn kem dưỡng ẩm. Acid Glycolic còn giúp gia tăng nguồn cung cấp Hyaluronic Acid – chất cấp ẩm hàng đầu trong mỹ phẩm. Nó còn khá lành tính với hầu hết các loại da, đây là ưu điểm so với Tretinoin.

Acid Glycolic được ứng dụng nhiều nhất trong nhóm AHA.

Acid Glycolic là hợp chất chuyên trị các vấn đề cho da lão hóa. Cũng tương tự như Tretinoin, nó có khả năng loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da, kích thích sản sinh tế bào mới khỏe mạnh hơn, cũng như giúp tăng sinh Collagen và Elastin. Từ đó thấy được Acid Glycolic giúp làm căng da, xóa bỏ nếp nhăn và các vết thâm – những dấu hiệu tiêu biểu của rạn da.

Một số loại mỹ phẩm khuyên dùng

Kem trị rạn da

Tetyana Advanced Scar Removal

Thành phần: hoa sơn trà Nhật, hoa cúc La Mã và chiết xuất lô hội. 

Công dụng: giúp da săn chắc, làm mờ vết thâm, trị sẹo do bỏng, do vết cắt hoặc phẫu thuật.

Kết cấu: dạng kem, phù hợp với mọi loại da.

Chuyên dùng cho phụ nữ mang thai và rạn da do tăng cân

Botanic Tree Simply Organic

Thành phần: vitamin E, bơ ca cao, bơ hạt mỡ, chiết xuất chùm ngây

Công dụng: cải thiện rạn da, cấp ẩm, ngăn ngừa hình thành vết rạn mới

Kết cấu: dạng kem, phù hợp với mọi loại da 

Chuyên dùng cho phụ nữ mang thai

Bio-Oil Specialist Skincare

Thành phần: vitamin A, vitamin E và chiết xuất cúc vạn thọ, oải hương

Công dụng: giúp da săn chắc, cấp ẩm, hạn chế hình thành vết rạn mới, chống nắng, mờ thâm

Kết cấu: dạng dầu, có thể dùng như dầu massage

Viên uống vitamin 

Để bổ sung vitamin, ngoài cách bôi trực tiếp lên da, bạn có thể sử dụng viên uống. Viên uống vitamin C và vitamin E nên được kết hợp với nhau, chúng sẽ giúp hạn chế hình thành những vết rạn da mới. Ngoài ra khi sử dụng viên uống, bạn cũng tránh được phần nào nỗi lo da bị bắt nắng như khi bôi trực tiếp vitamin C lên vùng da bị rạn.

Kem dưỡng ẩm 

Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho cơ thể (body lotion) nếu trên người xuất hiện vết rạn da. Nên ưu tiên những thành phần tự nhiên, có mùi hương dịu nhẹ và chỉ thoa một lớp mỏng trên vùng da bị rạn sau khi tắm. Nếu vùng da rạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn cũng đừng quên kem chống nắng khi ra ngoài.

Nên sử dụng kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn độ ẩm sau khi tắm để đạt hiệu quả tối ưu

5. Trị rạn da bằng phẫu thuật hoặc thẩm mỹ

Nếu da bạn bị rạn nứt nhiều, rạn nứt lâu năm, xuất hiện hiện tượng chảy xệ và chùng nhão mà tập luyện và chế độ ăn uống cũng không giúp hồi phục, bạn nên cân nhắc đến những biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ để giúp da lấy lại trạng thái ban đầu, hồi phục vóc dáng.

Trước hết bạn cần phân biệt giữa biện pháp thẩm mỹ (Non-Surgical) và biện pháp phẫu thuật (Surgical), xác định rõ những ưu và nhược điểm của chúng để có lựa chọn phù hợp.

Biện pháp thẩm mỹ

  • Nhanh chóng nhưng có thể không triệt để
  • Thời gian phục hồi (nếu có) ngắn
  • Không để lại sẹo hoặc dấu vết trên da
  • Không tiềm ẩn rủi ro phẫu thuật
  • Không có yêu cầu về cân nặng

Biện pháp phẫu thuật

  • Hiệu quả thường triệt để và chuẩn xác
  • Mất vài tuần để hồi phục
  • Có thể để lại sẹo
  • Còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người
  • Yêu cầu cân nặng ổn định trong khoảng ít nhất 6 tháng trước khi phẫu thuật

Bạn cũng cần lưu ý trước khi lựa chọn biện pháp thẩm mỹ hay phẫu thuật, bạn đều cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ về thể trạng và tình trạng da của mình, nắm rõ và chi tiết về những rủi ro có thể xảy ra.

Liệu pháp laser 

Liệu pháp laser là một liệu pháp thẩm mỹ, sử dụng xung ánh sáng để điều trị rạn da. Ưu điểm của liệu pháp laser là tiến hành nhanh chóng, thông thường chỉ mất khoảng 30 phút cho một lần trị liệu.

Điều trị rạn da bằng laser là phương pháp phổ biến hiện nay

Tùy thuộc vào mức độ rạn da và tình trạng da của mỗi người mà số lượt trị liệu sẽ khác nhau, dao động từ vài ngày đến vài tuần. Liệu pháp laser có thể gây ra phồng rộp và vết đỏ trên da ở một số người, nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày nên bạn không cần quá lo lắng. 

Liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Đây cũng là một liệu pháp thẩm mỹ, khi tiêm loại huyết tương này vào cơ thể, chúng sẽ giúp kích thích sản sinh Collagen và Elastin. Kết quả là da sẽ dần hồi phục lại sự săn chắc và cải thiện độ mịn màng, đàn hồi của da.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu khá đắt đỏ

Liệu pháp này cũng có thể kết hợp với liệu pháp lăn kim – một biện pháp đã quá phổ biến trong ngành thẩm mỹ làm đẹp. Về công dụng, lăn kim cũng tương tự như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vì nó giúp kích thích sản sinh Collagen và Elastin dưới da, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới, đào thải tế bào cũ.

Liệu pháp siêu mài mòn da 

Đây là một liệu pháp thẩm mỹ mới, sử dụng dụng cụ giúp hút bỏ tế bào chết trực tiếp trên bề mặt da, khá giống với liệu pháp lăn kim. Liệu pháp này được đánh giá là cải thiện tình trạng rạn da mà không gây tổn thương với bề mặt da, khá an toàn.

Có hai phương pháp: sử dụng tinh thể thạch anh hoặc mũi kim cương để mài mòn da

Bên cạnh công dụng chữa trị rạn da, liệu pháp siêu mài mòn da còn cải thiện hiện tượng da không đều màu, các đốm đồi mồi và các vết nhăn trên da.

Liệu pháp phẫu thuật da (Abdominoplasty)

Đúng như tên gọi của mình, đây là liệu pháp phẫu thuật và thường được sử dụng cho vùng bụng – nơi có nguy cơ rạn da lớn nhất. Liệu pháp này sẽ giúp loại bỏ triệt để vùng da lỏng lẻo, chùng nhão với nhiều vết rạn của phụ nữ sau sinh. 

Nếu bạn có vết rạn da lâu năm, đặc biệt là rạn da đi kèm lão hóa, bạn có thể cân nhắc phương pháp này. Tuy nhiên như đã đề cập, liệu pháp phẫu thuật có thể để lại sẹo và tồn tại những rủi ro nhất định, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi quyết định.

6. Cách hạn chế tình trạng rạn da 

Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát cân nặng là cách hiệu quả và lâu dài nhất để chống rạn da, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Bạn nên thiết lập một chế độ ăn khoa học để tăng cân một cách từ từ trong thời gian thai kì. Cụ thể là từ tháng thứ 4 trở đi, bạn nên duy trì mức tăng từ 1.5 – 2kg mỗi tháng là lý tưởng nhất. 

Sau khi sinh, bạn cũng nên cho cơ thể thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục với tốc độ vừa phải, tránh nôn nóng tập luyện quá nặng hoặc siết cân một cách hà khắc, dẫn đến da chùng nhão và rạn nứt.

Trong chế độ ăn của mình, bạn nên ưu tiên những loại thực phẩm giàu vitamin và kẽm để phòng tránh rạn da hiệu quả.

 

Đối với người không mang thai, bạn cũng cần kết hợp giữa ăn uống và luyện tập thể thao để tránh tăng cân đột ngột. Bạn nên thử tập yoga vì bộ môn này không chỉ có ích cho sức khỏe của bạn mà còn giúp giữ da săn chắc và đàn hồi đáng kể.

Sử dụng mỹ phẩm chứa Retinoid và Acid Glycolic

Mỹ phẩm chứa Retinoid và Acid Glycolic không chỉ có ích với điều trị rạn da đã hình thành mà còn giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của những vết rạn mới. Bạn nên ưu tiên các thành phần này trong sản phẩm chăm sóc cơ thể (như kem dưỡng da hay sữa tắm).

Hãy ưu tiên những thành phần giúp loại bỏ tế bào chết và tăng sinh Collagen cho da rạn

Ngoài ra, bạn có thể bổ sung vitamin D và chất dưỡng ẩm cho da để tăng cường độ đàn hồi cho da và giảm thiểu các bệnh da liễu có thể nảy sinh từ hiện tượng rạn da.

Thông điệp cho bạn

Rạn da là hiện tượng chủ yếu mang tính thời kỳ, bạn không cần quá lo lắng về sự xuất hiện của nó. Hãy bình thản đón nhận và xử lý những vết rạn trên da thật nhẹ nhàng. Chấp nhận mọi ưu điểm và khuyết điểm cũng là biểu hiện của sự yêu thương bản thân, khi yêu chính mình một cách thực sự là thời điểm bạn tỏa sáng rực rỡ nhất. Đừng quên điều này nhé!

 

Leave a Reply