Thâm môi là hiện tượng môi mất đi màu sắc hồng hào ban đầu, trở nên nhợt nhạt hoặc thẫm tím, khiến nhiều người thiếu tự tin. Tuy nhiên bạn không nên quá lo âu vì có rất nhiều cách trị thâm môi hiệu quả tại nhà. Để SkinBlog “mách nước” cho bạn nhé!

1. Các nguyên nhân gây thâm môi

Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng

Son chứa nhiều chì sẽ khiến đôi môi bạn bị thâm nhanh chóng. Chì là thành phần khó có thể thiếu để tạo nên các màu son đẹp, tăng độ bám phủ và lên màu mịn mượt, nhưng nếu hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, độc tố sẽ thấm vào tế bào môi làm da bị đổi màu.

Bạn nên chú trọng đến thành phần của son để tránh làm môi bị tổn thương

Vì nhiều nguyên do, nhiều người phải dặm lại son thường xuyên trong ngày hoặc đánh một lớp son dày. Việc đắp thêm son mới mà không làm sạch lớp son cũ cũng là nguyên nhân làm thâm môi.

Liếm môi và bóc da môi 

Đây là thói quen xấu khá nhiều người mắc phải, hành vi này hoàn toàn không tốt cho môi khi không những làm vùng da môi bị bong tróc nham nhở mà còn gây ra tình trạng thâm môi. Lý do là vì khi liếm môi, trong nước bọt của chúng ta có chứa những enzym tiêu hóa làm mòn lớp biểu bì môi, khiến môi bị oxy hóa và thẫm màu.

Liếm môi không những không giúp tăng độ ẩm mà còn làm môi dễ thâm tím

Việc bóc da môi làm mất đi lớp màng dầu bảo vệ tự nhiên của môi, khiến môi trở nên khô nứt. Mặt khác nếu tay của bạn không sạch sẽ, vi khuẩn có thể len lỏi theo các vết nứt thâm nhập vào môi khiến môi viêm nhiễm, sưng nhức khó chịu. Nếu tình trạng này kéo dài, các tế bào liên kết cấu thành vùng da môi yếu đi, sẽ dẫn đến hiện tượng thâm môi.

Mất nước 

Không cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng là lý do khiến môi đổi màu thẫm đen, đặc biệt là khi bạn thường xuyên làm việc trong môi trường điều hòa hay những nơi có khí hậu lạnh. Việc thiếu nước cản trở hoạt động tái tạo của tế bào, dẫn đến tình trạng tế bào chết nhiều hơn làm môi khô nứt, dễ xỉn màu.

Ánh nắng mặt trời 

Nguồn gốc của thâm môi là sự tổn thương tế bào Melanocytes – tế bào điều khiển sự sản sinh của sắc tố Melanin. Sắc tố Melanin có khả năng bảo vệ làn da tránh khỏi những tổn thương từ ánh nắng mặt trời – đó là lý do chúng ta thường thấy da đổi màu sau khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, thực chất đây là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể.

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài cũng khiến môi có xu hướng thâm

Khi tế bào Melanocytes bị tổn thương dẫn đến rối loạn sản sinh sắc tố Melanin, cụ thể là sự tăng sinh vượt ngưỡng bình thường của tế bào và hậu quả là sự đổi màu thâm đen rõ rệt của đôi môi.

Thêm vào đó tia cực tím cũng là nguyên nhân phá vỡ cấu trúc vùng da môi, làm da nứt nẻ và khô yếu đi. Và không chỉ có ánh nắng mặt trời, bức xạ và ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thâm môi.

Sử dụng trà, cà phê và thuốc lá

Những chất kích thích như trà, cà phê và thuốc lá khiến môi thâm đen nhanh chóng vì chúng tiếp xúc trực tiếp với đôi môi. Nếu như trà và cà phê chứa quá nhiều Caffein thì Nicotin trong khói thuốc lá sẽ khiến môi bạn thâm sạm. Không chỉ có vậy, các chất kích thích này còn khiến răng bạn xuất hiện những mảng bám ố vàng mất thẩm mỹ.

Đối với người trưởng thành, mỗi ngày bạn chỉ nên nạp tối đa 400 milligram caffeine.

 

Ngoài ra, các acid và chất lên men trong bia rượu cũng làm môi đánh mất vẻ hồng hào ban đầu. Bạn nên tránh xa những chất kích thích này, uống đủ nước và không thức khuya nếu không muốn môi lên tiếng “kêu cứu”.

Các nguyên nhân khác 

Thiếu máu cũng là nguyên nhân dẫn đến môi thâm, do giảm hàm lượng Hemoglobin protein trong máu. Ngoài ra thiếu vitamin B và C cũng làm môi bạn xuống sắc. 

Việc sử dụng một số loại thuốc cũng có tác dụng phụ là gây thâm môi. Các loại thuốc này bao gồm: 

  • Thuốc điều trị sốt rét
  • Thuốc Phenothiazines điều trị nôn mửa
  • Tetracyline (Minocycline) và một số loại kháng sinh mạnh
  • Thuốc trị bệnh da liễu (Acitretin hay Isotretinoin)
  • Thuốc chống trầm cảm

2. Tẩy da chết môi

Để trị thâm môi, bạn cần lưu ý làm sạch sâu và dưỡng ẩm thường xuyên như cách bạn nâng niu làn da trong chu trình skincare hàng ngày của mình. Trong đó tẩy da chết là bước đầu tiên giúp bạn loại bỏ thâm môi hiệu quả.

Sử dụng các thành phần tự nhiên

Dầu olive và đường nâu

Dầu olive và đường nâu đều giàu chất chống oxy hóa giúp cải thiện màu môi thâm đen. Ngoài ra trong đường nâu còn có Acid Glycolic giúp tăng cường khả năng tái tạo của tế bào và loại bỏ tế bào chết, còn dầu olive giúp dưỡng môi mềm mượt và đầy đặn hơn.

Dầu olive và đường nâu lành tính, khả năng kết hợp cao và không quá khó tìm

Các bước tẩy da chết bằng dầu olive và đường nâu:

  • Trộn dầu olive và đường nâu theo tỉ lệ 1:1 thành hỗn hợp sệt

  • Thoa hỗn hợp lên môi

  • Chà bằng khăn mềm theo chuyển động tròn (không quá 1 phút)

  • Rửa sạch môi bằng nước ấm

Bạn cũng có thể thay thế dầu olive bằng dầu dừa, dầu hạnh nhân hoặc mật ong đều cho kết quả tương tự, do đường nâu có khả năng kết hợp linh hoạt với nhiều loại nguyên liệu.

Chanh 

Thiếu vitamin C cũng là lý do làm thâm môi, lượng vitamin C dồi dào trong chanh sẽ giúp bạn bổ sung lại dưỡng chất này. Bạn cũng nên lưu ý nếu sử dụng chanh, bạn cần che chắn cẩn thận cho vùng môi vì vitamin C sẽ khiến môi rất dễ bắt nắng.

Chanh giúp cải thiện tình trạng không đều màu, phù hợp với người có viền môi thâm

4 cách để sử dụng chanh trong điều trị thâm môi:

  • Trộn nước cốt chanh với mật ong và Glycerin thoa lên môi trước khi đi ngủ, rửa sạch lại vào sáng hôm sau.

  • Trộn nước cốt chanh với dầu thầu dầu và Glycerin thoa lên môi trong 1 giờ. Lấy bông tẩy trang nhúng vào nước ấm và chà nhẹ để tẩy sạch da chết

  • Cắt lát chanh mỏng, rắc đường và thoa đều lên môi, loại bỏ tế bào chết sau đó rửa lại với nước ấm.

  • Vắt nước ½ quả chanh vào 1 muỗng cà phê dầu hạnh nhân, trộn đều và thoa lên môi. Để qua đêm, rửa sạch bằng nước mát vào sáng hôm sau.

Mật ong nguyên chất

Mật ong giàu vitamin C cũng là cách giúp tẩy tế bào chết và cải thiện màu môi hiệu quả. Ngoài ra trong mật ong còn giàu các chất chống oxy hóa, hoạt chất fructose, glucose và đặc biệt là catalase có công dụng rõ rệt trong việc loại bỏ hắc sắc tố.

Mật ong là “thần dược” với vô số công dụng trong làm đẹp

Mật ong kết hợp với đường nâu là sự kết hợp hoàn hảo khi tẩy sạch da chết mà vẫn dịu nhẹ với môi. Bạn nên thực hiện phương pháp này 3 lần mỗi tuần để thấy kết quả rõ rệt.

Các bước tẩy da chết môi với mật ong và đường nâu:

  • Trộn đều mật ong và đường nâu

  • Thoa lên môi bằng ngón tay, nên kết hợp massage nhẹ nhàng

  • Để hỗn hợp khô khoảng 3 phút, rửa lại bằng nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp mật ong với mâm xôi và lô hội do chúng đều giàu chất chống oxy hóa và tăng sinh Collagen.

Các bước tẩy da chết môi với mật ong, mâm xôi và lô hội:

  • Trộn đều mật ong, quả mâm xôi nghiền và lô hội dạng gel thành hỗn hợp sệt

  • Thoa lên môi, kết hợp massage

  • Để hỗn hợp khô khoảng 20 phút, rửa lại bằng nước mát

Lựu 

Lựu chứa nhiều vitamin C và Punicalagin giúp ngăn ngừa sự tăng sinh của Melanin, cũng như bảo vệ đôi môi khỏi những tác hại của tia cực tím. Tương tự như chanh, có rất nhiều cách sử dụng lựu để tẩy da chết và cải thiện sắc tố môi.

2 cách sử dụng lựu để tẩy da chết môi:

  • Trộn hạt lựu nghiền mịn với sữa, thoa lên môi và để khô trong 15 phút. Rửa lại bằng nước lạnh.

  • Trộn 1 thìa hạt lựu nghiền, 1 thìa nước ép củ cải đường và 1 thìa nước ép cà rốt. Thoa đều lên môi, loại bỏ tế bào chết và rửa sạch bằng nước mát.

Sử dụng mỹ phẩm đặc trị

Nếu không có nhiều thời gian để chuẩn bị các thành phần tự nhiên trong tẩy da chết môi, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của các loại mỹ phẩm đặc trị. Chúng có ưu điểm là đơn giản, tiện lợi và đa năng như giúp làm mềm hay làm đầy môi. 

Thông thường các loại mỹ phẩm tẩy da chết môi sẽ chứa các hạt tẩy da chết (Scrubs), bạn nên lưu ý đến kích thước của chúng trước khi dùng vì nếu đôi môi bạn mỏng và nhạy cảm, các hạt tẩy da chết môi có kích thước lớn có thể dẫn đến tình trạng đau rát, sưng đỏ trên môi bạn.

NBeauty Treats Lip Scrub

Thành phần chính: hạt óc chó, lê, nho, bơ hạt mỡ, dầu jojoba, sáp Copernicia Cerifera và vitamin E

Kết cấu: dạng kem đặc, chứa các hạt scrubs nhiều kích cỡ, có nhiều mùi hương

Công dụng: tẩy tế bào chết, làm mềm môi

Innisfree Lip Peeling Booster

Thành phần chính: dầu hạt trà xanh, dầu hạt macadamia, dầu hạt hướng dương

Kết cấu: dạng kem, chứa các hạt scrubs nhỏ li ti

Công dụng: tẩy tế bào chết, làm mềm môi, dưỡng ẩm

E.L.F Lip Exfoliator Original

Thành phần chính: dầu jojoba, bơ hạt mỡ, dầu bơ 

Kết cấu: dạng rắn, chứa hạt scrubs nhỏ, có nhiều mùi hương

Công dụng: tẩy tế bào chết, làm mềm môi

The Face Shop Lip Scrub

Thành phần chính: mật ong, sáp mật ong, xoài và bơ hạt mỡ

Kết cấu: dạng kem, chứa hạt scrubs khá lớn 

Công dụng: tẩy tế bào chết, làm mềm môi, dưỡng ẩm

Unpa Bubi Bubi Lip

Thành phần chính: chiết xuất cây phỉ (AHA), đu đủ, đào, bưởi và rau sam

Kết cấu: dạng sủi bọt, có thể gây châm chích khi thoa lên môi (thời gian thoa là 5 phút)

Công dụng: tẩy da chết môi

Những lưu ý khi tẩy da chết cho môi 

  • Chỉ tẩy da chết 1 lần mỗi tuần
  • Không tẩy da chết khi môi quá khô nứt hoặc chảy máu
  • Chỉ nên dùng ngón tay, khăn mềm hoặc bông tẩy trang khi tẩy da chết cho môi
  • Nên massage theo hướng vòng tròn, tránh chà xát quá mạnh
  • Luôn dùng son dưỡng hoặc biện pháp dưỡng ẩm sâu sau khi tẩy da chết cho môic

3. Dưỡng ẩm cho môi 

Cách dưỡng ẩm phổ biến nhất cho môi là sử dụng son dưỡng ẩm. Có nhiều loại son khác nhau: dạng sáp, dạng kem, dạng gel và dạng lỏng / dạng dầu. Thông thường son càng giàu ẩm thì kết cấu càng đặc. SkinBlog sẽ chỉ ra giúp bạn các bí quyết để chọn son dưỡng ẩm phù hợp cho vấn đề môi thâm.

Cách chọn son dưỡng cho môi

Ưu tiên các thành phần tự nhiên 

Tương tự như các loại mỹ phẩm tẩy da chết, đối với son dưỡng ẩm, thành phần tự nhiên cũng nên được cân nhắc hàng đầu. Các thành phần này nên đáp ứng được hai tiêu chí: chứa vitamin giúp cải thiện sắc tố môi và giàu ẩm để giữ môi mềm mọng. 

Trong bảng thành phần son dưỡng môi, các chiết xuất dầu được khuyên dùng nhiều nhất.

 

Cụ thể, bạn nên quan tâm đến dòng son dưỡng chứa tinh chất dầu olive, dầu jojoba hoặc dầu dừa do chúng là những loại tinh chất giàu ẩm và giúp làm mềm môi tốt nhất, đặc biệt là sau bước tẩy da chết khiến một lớp tế bào bị bong khỏi môi bạn.Tiếp đó, bạn có thể cân nhắc dầu hạnh nhân hoặc chiết xuất từ quả bơ

Son dưỡng cho môi thâm nên chứa vitamin C vitamin E. Bạn có thể bổ sung chúng thông qua các thành phần hoa quả hoặc mật ong.

Hạn chế các thành phần hóa chất 

Đối với son dưỡng và mỹ phẩm nói chung, bạn nên hạn chế sự xuất hiện của các loại kim loại nặng như Retinyl Palmitate, Mangan, Methylparaben, nhôm và đặc biệt là chì.

Như đã đề cập, chì là thành phần giúp tạo nên những màu son nổi bật. Do vậy nếu đang gặp phải tình trạng thâm môi, bạn chỉ nên “trung thành” với son dưỡng không màu.

KHÔNG NÊN sử dụng các loại dầu khoáng (Mineral Oil) như White Oil, Paraffin, Liquid Petroleum.

Tuy vậy, không phải chất hóa học nào cũng không tốt đối với son dưỡng. Bạn vẫn có thể thử các loại son chứa Acid Salicylic. Một số loại son sẽ có thêm chất tạo mùi (hương liệu), bạn chỉ cần tránh lựa chọn những loại son có mùi quá nồng là đủ an tâm chăm sóc cho đôi môi của mình.

Nên chọn son dưỡng có công năng chống nắng

Bên cạnh công dụng dưỡng ẩm, khi chọn son dưỡng, đặc biệt là son dưỡng sử dụng ban ngày bạn cần chú ý tới chỉ số SPF của son.

Chỉ số chống nắng tối thiểu của son dưỡng nên là SPF15.

 

Son dưỡng có khả năng chống nắng nên được ưu tiên sử dụng vào mùa hè. Son dưỡng với chỉ số SPF cao sẽ tạo thành màng chắn ngăn tác hại của tia cực tím lên môi như làm nứt nẻ hay tăng sinh Melanin khiến môi sạm đen.

Một số loại son dưỡng khuyên dùng

Rebirth

Son dưỡng xuất xứ từ Úc, với thành phần chính là nhau thai cừu – một trong những thành phần tự nhiên được đánh giá rất cao trong khả năng trị thâm môi. Chất son của Rebirth khá mềm, không màu và có mùi vani tự nhiên.

Laneige Moisture Lip Balm

Thỏi son dưỡng từ Laneige có thành phần chính là chiết xuất từ hạt quả đào, mơ và mận. Son được đánh giá là trị thâm hiệu quả, chất son nhiều dưỡng nên không cần thoa lại quá nhiều lần trong ngày mà vẫn đảm bảo môi mềm và không lộ rãnh môi khi thoa son màu lên.

It’s Well Plus – Maryjane Premium Secret Lipstick

Son được cấu tạo từ nhiều loại dầu và bơ thực vật nên công dụng trị thâm khá được khen ngợi. Khả năng dưỡng ẩm của son ở mức trung bình khá, khoảng 3 tiếng thì cần tô lại. Tuy nhiên ưu điểm là son lên màu nhẹ nhưng giữ màu khá tốt, màu sắc tự nhiên và có khả năng đổi màu theo độ ẩm trên môi.

Shiseido Sun Protection Lip Treatment

Ưu điểm nổi bật của son dưỡng Shiseido là chỉ số SPF 35 PA++ – rất cao so với các dòng son dưỡng hiện nay, vì vậy rất phù hợp để sử dụng vào mùa hè. Một ưu điểm nữa là son không chứa chì. Chất son không quá mềm nhẹ và sẽ để lại một lớp màng sau khi mới thoa, nhưng sẽ phai màu nhanh nênnhìn chung không gây khó chịu và nặng môi.

DHC Lip Cream

DHC Lip Cream có dầu olive, lô hội, mỡ cừu, sáp ong và rất giàu vitamin E. Chất son nhẹ, không bóng, không gây nặng hay nhờn dính trên môi dù thoa một lớp dày. Son thích hợp để dùng trước khi đi ngủ, ngoài công dụng dưỡng ẩm, DHC Lip Cream còn có khả năng tẩy da chết cho môi.

Những lưu ý khi dưỡng ẩm cho môi 

  • Nên sử dụng son vào ngày hanh khô, nhiệt độ thấp và trước khi trang điểm
  • Cần làm sạch môi trước khi sử dụng son dưỡng
  • Không nên dùng quá 3 lần mỗi ngày
  • Không nên liếm môi, cắn môi khi dùng son dưỡng

Ngoài ra, bạn có thể dưỡng ẩm sâu cho môi với các biện pháp khác như đắp mặt nạ ngủ môi, hoặc sử dụng mặt nạ chiết xuất từ thiên nhiên (mật ong, sữa chua không đường, dưa chuột,…). Tuy nhiên những biện pháp này chỉ nên thực hiện tối đa 3 lần mỗi tuần, và thực hiện cách ngày.

4. Chọn màu son môi

 

Xác định loại son

 

Đối với môi thâm, bạn nên sử dụng son lì

 

Son lì có những ưu điểm là lên màu đậm, tươi, chuẩn xác và không phụ thuộc vào màu môi. Khả năng bám màu của son lì cũng lâu hơn hẳn so với son kem hay son bóng, do vậy bạn không cần lo lắng về việc son phai màu làm lộ ra sắc môi thâm sẫm. 

Không chỉ không kém môi, son lì còn có ưu điểm khác là không kén da, vì vậy phù hợp với nhiều tông màu da và cả sắc tố da – yếu tố cần được chú trọng khi trang điểm.

Một số màu son khuyên dùng

 

Hai tone son hợp nhất với sắc môi thâm là tone son đỏ và tone son đất.

 

Đối với tone son đỏ, các màu son khuyên dùng là: đỏ đất, đỏ tươi, đỏ cam đỏ rượu vang.

  • Đỏ đất: phù hợp với người có làn da ngăm
  • Đỏ tươi: phù hợp với mọi tông da
  • Đỏ cam: phù hợp với làn da sáng
  • Đỏ rượu vang: phù hợp với tông da sáng đến trung bình

Những tone son đất chưa bao giờ lỗi thời

Đối với tone son đất, các màu son bạn nên lựa chọn gồm: hồng đất, cam đấtnâu đất. Các tone son đất đều không kén da, kể cả với làn da ngăm và thích hợp cho phong cách trang điểm thường ngày. Tuy nhiên với một chút biến tấu, bạn có thể sử dụng tone màu đất để makeup đi tiệc hoặc sự kiện mà vẫn đảm bảo sang trọng và “thần thái”.

Bạn nên tránh tone màu nhạt như hồng phấn, hồng baby và hồng san hô vì chúng dễ làm lộ khuyết điểm thâm viền môi

Nếu bạn thích phá cách và sở hữu một làn da sáng màu, bạn có thể thử màu son hồng tím. Nếu sắc độ da bạn là thiên ấm, bạn nên chọn tông thiên hồng hơn. Nếu sắc độ da bạn là thiên lạnh, bạn nên chọn tông thiên tím. Màu son này sẽ khiến bạn trở nên “kiêu sa” hơn rất nhiều và che phủ màu môi thâm hiệu quả.

Màu hồng tím kén da nhưng cực kỳ “chanh sả”

Những lưu ý khi thoa son với môi thâm 

  • Nên thoa kem che khuyết điểm hoặc phấn nền lên môi trước khi thoa son màu
  • Nên sử dụng kem che khuyết điểm dành riêng cho vùng môi
  • Dùng son dưỡng trước son màu sẽ giúp son không vón cục, hạn chế lộ vân môi
  • Cần chờ son dưỡng khô rồi mới thoa son màu
  • Có thể sử dụng dầu dừa để tẩy trang cho môi

Thông điệp cho bạn 

Chăm sóc đôi môi tươi hồng căng mọng là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Nhưng sự tự tin có được khi nở nụ cười cùng đôi môi rạng rỡ là niềm vui xứng đáng để bạn đánh đổi.

Mong rằng bài viết đã mang lại cho bạn những kiến thức trị thâm môi nhanh chóng và hiệu quả. Hy vọng bạn sẽ thành công lấy lại được sắc môi tươi hồng từ những chia sẻ của SkinBlog!

 

Leave a Reply